Dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu VNĐ/tháng tại dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ Mobile Money mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ quyết định, khiến nhiều doanh nghiệp viễn thông có thể sẽ phải điều chỉnh lại hạn mức thanh thanh toán trên Mobile Money trước khi dịch vụ này chính thức được triển khai tại Việt Nam.
Trong một hội thảo về tiền di động với chủ đề: "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện" mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Mobile Money là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam. Vì hiện tại Việt Nam chưa có một cơ sở pháp lý chính thức để triển khai cung cấp dịch Mobile Money, các quy định pháp luật của Việt Nam không tìm ra được khái niệm Mobile Money.
Và, chính việc cả Mobile Money và đơn vị cung cấp Mobile Money chưa được văn bản pháp lý nào quy định được coi là một thách thức cho các doanh nghiệp viễn thông.
Do vậy, theo ông Dũng, bước đầu, Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu VNĐ/tháng, sau đó sẽ có điều chỉnh phù hợp khi thị trường phát triển.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, trong đề án về cung cấp dịch vụ Mobile Money mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) gửi Ngân hàng Nhà nước, đã đề xuất hạn mức thanh toán cho dịch vụ Mobile Money của VNPT là 30 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty VNPT-Media kiêm Giám đốc Công ty VNPT VAS (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, VNPT dựa trên khảo sát ở nhiều thị trường, việc tham vấn của nhiều chuyên gia và cả việc so sánh, cân nhắc thu nhập bình quân đầu người, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Việt nên mới đề xuất hạn mức 30 triệu đồng.
Tổng công ty MobiFone trong đề án của mình thì đề xuất hạn mức dưới 500 nghìn đồng/giao dịch và không hạn chế số lần giao dịch. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thì lại đề xuất cho thuê bao trả trước và thuê bao trả sau theo các theo các hạn mức khác nhau, trong đó trả trước là 5 triệu đồng/tháng và trả sau là 10 triệu đồng/tháng.
"Các mức hạn mức này cũng được Viettel căn cứ trên các nguyên tắc, quy định về thanh toán tiền tệ", một đại diện của Viettel cho biết.
Ông Sơn Hải cho biết, với dự kiến quy định mới của Ngân hàng Nhà nước là 10 triệu đồng/tháng thì nhà mạng cũng sẽ phải điều chỉnh lại hạn mức thanh toán cho Mobile Money để phù hợp với quy định Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước.
Tất nhiên ông cũng kỳ vọng sau khi dịch vụ Mobile Money được triển khai và đi vào ổn định thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tính tới việc nới thêm hạn mức thanh toán để đáp nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Tiền nạp vào ví Mobile Money phải theo nguyên tắc 1-1
Điện thoại và SIM là phương thức giao tiếp còn số tiền trong ví điện tử lưu trong hệ thống công nghệ thông tin của nhà mạng, như vậy tài khoản Mobile Money và SIM điện thoại cùng phải được định danh.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng, hiện nay, số người sử dụng SIM rác khá đông, nếu như có người dùng SIM không chính chủ sẽ phát sinh ra một số vấn đề cần xem xét.
Giả sử SIM điện thoại đứng tên "ông A" nhưng lại giao dịch qua ví Mobile Money của "ông B", khi đó nếu "ông A" dùng SIM rác thì khi có vấn đề phát sinh sẽ không lần ra được dấu vết, theo ông Dũng.
Vì thế, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho rằng, nhà mạng phải suy nghĩ thêm về việc phải định danh tài khoản Mobile Money như thế nào, số tài khoản có thể trùng với số SIM hoặc không phải là số SIM điện thoại nhưng phải được xác thực định danh người dùng ví điện tử đó là ai.
Cụ thể, theo ông Dũng, tiền nạp vào ví Mobile Money phải theo nguyên tắc 1-1, đó là một nguyên tắc quan trọng quản lý dịch vụ Mobile Money mà Ngân hàng Nhà nước thiết lập trong dự thảo quản lý dịch vụ Mobile Money. Có một nguyên tắc quan trọng đó là Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ.
Theo đó số tiền công ty viễn thông nhận của khách hàng phải tương ứng theo tỷ lệ 1-1, tức là nếu khách hàng đến đại lý nạp 100.000 đồng vào ví Mobile Money thì trong ví phải có 100.000 đồng, như vậy sẽ không có chuyện nếu người mua thẻ cào với giá khuyến mãi 90.000 đồng, khi nạp vào ví là có 100.000 đồng.
Điểm đáng chú ý, nguyên tắc là ví Mobile Money không bao giờ được làm phát sinh tiền tệ, các công ty viễn thông không được làm việc đó, cho nên các công ty viễn thông khi xây dựng mô hình kinh doanh phải cân nhắc khi cho phép người dùng nạp thẻ cào vào ví.
Bản chất khi nạp tiền vào tài khoản Mobile Money là tiền Việt Nam được thể hiện trên một phương tiện khác. "Với nguyên tắc này, các công ty viễn thông phải cân nhắc mô hình kinh doanh làm sao bảo đảm nguyên tắc 1-1", ông Phạm Tiến Dũng nhận xét.
Theo Thủy Diệu