![]() |
Gia hạn thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết năm 2025 |
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 87 về việc tiếp tục thí điểm dịch vụ Mobile Money - dùng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - đến hết ngày 31/12/2025.
Theo nội dung Nghị quyết, các doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cụ thể về dịch vụ Mobile Money theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dịch vụ Mobile Money được triển khai thí điểm theo Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/3/2021, với mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ người dân không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Khác với ví điện tử, Mobile Money cho phép người dùng sử dụng tài khoản gắn liền với thuê bao di động để chuyển tiền, thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ này đã được thực hiện từ cuối tháng 11/2021 bởi ba nhà mạng lớn gồm Viettel, VNPT và MobiFone, sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Đến ngày 18/11/2023, trước những kết quả tích cực ban đầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 192 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng hành lang pháp lý chính thức cho dịch vụ này và đồng thời gia hạn thời gian thí điểm đến hết năm 2024.
Theo số liệu cập nhật của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến hết quý III/2024, tổng số người dùng dịch vụ Mobile Money lũy kế đạt hơn 9,6 triệu, trong đó có tới 6,9 triệu người dùng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, chiếm 72%. Toàn quốc hiện có 275.960 đơn vị chấp nhận thanh toán bằng Mobile Money, bao gồm các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công. Tổng cộng đã có hơn 148 triệu giao dịch được thực hiện thông qua Mobile Money, với giá trị giao dịch hơn 5.397 tỷ đồng. Ngoài ra, 11.885 điểm kinh doanh cũng đã được thiết lập để phục vụ nhu cầu nạp, rút và sử dụng dịch vụ.
Tại cuộc họp ngày 5/3 về dự thảo Nghị quyết gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã kết luận, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ, quá trình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu về dịch vụ, an toàn, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan đề xuất tiếp tục triển khai dịch vụ Mobile Money, đồng thời khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Cũng trong kết luận cuộc họp ngày 5/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, không để gián đoạn dịch vụ.
Thực hiện chỉ đạo này, ngày 25/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có tờ trình về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money. Việc tiếp tục gia hạn thời gian thí điểm dịch vụ Mobile Money là nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng có thể phát sinh khi các doanh nghiệp phải tạm dừng cung ứng dịch vụ do chưa có quy định pháp lý, chính sách quản lý phù hợp sau ngày 31/12/2024.