Người kinh doanh cẩn trọng tái mở cửa hoạt động hậu Covid-19

14:27 25/10/2021

Sau gần hai tháng giãn cách và đóng cửa, chính quyền thành phố Hà Nội chính thức thông báo cho phép hoạt động các dịch vụ ăn tại chỗ ở địa phương, từ nhà hàng đến quán cà phê. Tuy nhiên phản ứng trong cộng đồng người tiêu dùng và những chủ kinh doanh buồn vui lẫn lộn.

Tác động từ những đợt đóng cửa kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến chủ kinh doanh tại Việt Nam

Tác động từ những đợt đóng cửa kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến chủ kinh doanh tại Việt Nam. (Ảnh: EPA-EFE)

 

Đây là thời điểm được đánh giá vẫn còn nguy hiểm để mở cửa trở lại khi mối đe dọa về vi rút Corona còn tiềm tàng. Ông Minh Chu, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV) cho biết: "Một số chủ sở hữu kinh doanh chia sẻ lo ngại khi hoàn toàn mở cửa trở lại. Nếu Covid-19 xuất hiện lần nữa, họ lại phải đóng cửa và tái hoạt động".

Dựa trên số liệu từ chính phủ, tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam còn thấp, dưới 60% người dân Hà Nội được tiêm hai liều vắc xin, do đó dẫn đến nhiều lo lắng khi hoạt động kinh doanh vào thời điểm này. Tác động từ những đợt đóng cửa kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến cân bằng ngân sách của các bên kinh doanh. Nhiều nhà hàng phải gồng gánh kinh doanh để tồn tại. Theo ông Minh Chu: "Các chủ hàng muốn chắc chắn tình hình đã sẵn sàng để trở về trạng thái bình thường, sau đó mở cửa từng bước một".

Ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm của Việt Nam đã phải đối chọi với "cơn bão" Covid-19. Ông Chu ước tính, có tới 1/3 nhà hàng phải đóng cửa tạm thời kể từ khi đại dịch xuất hiện và nhấn mạnh đầu tư trong tương lai sẽ bị hạn chế theo đó. "Nhiều nhà hàng có nhiều hơn ba cơ sở nhưng họ không mở thêm hay mở lại toàn bộ. Họ đang tiến từng bước một và điều này đồng nghĩa với đầu tư sẽ suy giảm trong năm tới", ông Chu cho biết thêm ngoài vấn đề chi phí, thiếu nhân lực cũng là nguyên nhân cản trở. Ông chỉ ra rằng doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn trong thích ứng các quy định của thành phố đối với hoạt động nhà hàng hay các chuỗi lớn, thay vào đó, nguồn lao động và nhân viên thạo việc trở thành thách thức lớn phải đối mặt".

Ellie Sanders, quản lý marketing tại KOTO Villa, một nhà hàng cao cấp ở quận Tây Hồ vốn rất đông khách bày tỏ đồng cảm. Cô cho hay, không có nhân viên đồng nghĩa với dịch vụ nhà hàng chịu áp lực rất lớn, dẫn đến nhiều bất cập trong tuần đầu mở cửa trở lại. May mắn, khách hàng thông cảm cho Ellie và nhà hàng, KOTO Villa vận hành trơn tru những tuần sau đó.

Kể từ khi biến thể Delta lan rộng vào tháng tư, các thành phố trên cả nước chứng kiến cuộc di cư của người lao động lớn nhất từ trước đến nay. Tổng Cục Thống Kê ước tính có đến 1,3 triệu người đã rời khỏi các trung tâm công nghiệp tại Việt Nam và về quê trong giữa tháng 7 và tháng 9. Sanders cho hay mặc dù gặp nhiều thách thức nhưng những nhân viên tại KOTO Villa rất vui mừng khi được hoạt động trở lại. "Mọi người đều rất phấn khởi. Trong buổi tối mở lại, không khí nhà hàng tràn ngập sự tươi mới và hào hứng", cô chia sẻ. "Ở quận Tây Hồ, hầu hết khách hàng đã tiêm hai mũi vắc xin. Nếu có ai đó cảm thấy không khỏe họ sẽ tự giác ở nhà", Sanders vui vẻ kể lại KOTO Villa kín chỗ trong ngày đầu.

Mặt khác, ông Chu chỉ ra khách hàng hiện nay có xu hướng phân chia theo thế hệ: "Với những người trẻ, hầu hết các bạn đều thích ăn ngoài và sẵn sàng đặt chỗ tại các nhà hàng sau dịch. Tuy nhiên, với người có tuổi và trung niên, nhóm này cẩn trọng hơn. Họ thích ở nhà và gọi giao hàng". Ông bổ sung thêm: "Ngày càng có nhiều công nghệ tập trung vào các ngành hàng online. Khi cả nước trở lại trạng thái bình thường, thị trường trực tuyến tiếp tục duy trì mạnh mẽ". 

TL (theo ASEAN business)