Nhiều người mới khởi nghiệp, kể cả không ít người từng trải vui - buồn, sướng - khổ trong thế giới kinh doanh, luôn có suy nghĩ: Trong kinh doanh ẩm thực, mở cửa nhà hàng mới khó, chứ đóng cửa thì dễ ợt, rụp một cái là xong!
Song, ông Lý Quí Trung nghĩ ngược lại: Mở nhà hàng thì rất dễ nhưng đóng mới khó vì quá nhiều trở ngại, chẳng hạn như cảm giác thấy "quê quê", ngại ngùng, tự ái... Làm nhà hàng mà lỗ dài dài là điều khủng khiếp, không có lãi rồi cũng phải đóng, để lỗ dai dẳng thì… hại não lắm, dễ "tăng-xông" lắm! Chi phí mất đi chính là chi phí cơ hội do những cửa hàng không hiệu quả đó đeo đẳng khiến những cơ hội kinh doanh khác bị cản trở. Ngừng cuộc chơi, đóng cửa nhà hàng là cả một nghệ thuật. Làm kinh doanh phải có đủ bản lĩnh… đóng cửa nhà hàng để đón cơ hội mới.
Ảnh: Internet
Theo vị doanh nhân "giỏi đóng cửa nhà hàng", thái độ ứng xử với thất bại rất quan trọng. Làm ăn luôn tính tới đường lui. Ví dụ, doanh nhân bước vào rạp chiếu phim đã phải nghiêng ngó xem cửa "thoát" nằm ở đâu. Hay ai rủ hùn hạp thì cũng phải nghĩ làm sao rút ra nếu muốn, đừng bao giờ để hai chữ thất bại "nổ" trong đầu, "bung" trong tim. Một doanh nhân có kinh nghiệm luôn tạo cho mình thói quen nghĩ cửa " thoát" thay vì lao đầu vào tường đá một cách không kiểm soát là vậy.