![]() |
Nghiên cứu triển khai mô hình cảng miễn thuế |
Làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu và triển khai mô hình cảng miễn thuế, hướng tới xây dựng Việt Nam thành trung tâm logistics quy mô lớn. Đồng thời, ông cũng chỉ đạo phát triển cổng một cửa đầu tư quốc gia nhằm tạo thuận lợi và gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây không chỉ là một sáng kiến kinh tế mà còn là sự thay đổi tư duy trong cách tiếp cận thương mại quốc tế, chuyển từ việc "kiểm soát" sang "tạo thuận lợi". Điều này phản ánh yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, khi nhiều quốc gia đang liên tục đổi mới chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng và thu hút dòng vốn đầu tư. Việt Nam cũng cần có những giải pháp đột phá để tận dụng lợi thế địa kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thực tế, mô hình cảng miễn thuế không còn xa lạ trên thế giới và đã chứng minh được hiệu quả tại nhiều quốc gia có nền kinh tế mở. Với ưu đãi thuế quan, thủ tục hải quan đơn giản và sự kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, các cảng này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí mà còn gia tăng sức hút đầu tư, biến các quốc gia sở hữu mô hình này thành mắt xích quan trọng trong thương mại quốc tế. Trong khu vực, Singapore là một ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này. Với hệ thống cảng trung chuyển hàng hóa hàng đầu thế giới, Singapore đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý để trở thành trung tâm thương mại và logistics nhờ chính sách thương mại tự do. Từ mô hình Singapore, có thể thấy rằng việc triển khai cảng miễn thuế là bước đi chiến lược để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển trải dài của Việt Nam và nâng cao hạ tầng logistics. Một số địa phương như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cảng biển và cơ sở hạ tầng để nghiên cứu xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng miễn thuế, giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu và phát triển logistics.
Bên cạnh cảng miễn thuế, việc xây dựng cổng một cửa đầu tư quốc gia là một quyết sách đúng đắn trong bối cảnh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng cạnh tranh. Một hệ thống quản lý đầu tư minh bạch, nhanh gọn và thuận tiện sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Khi hệ thống cổng một cửa đầu tư được triển khai hiệu quả, tiến độ cấp phép sẽ được đẩy nhanh, chi phí hành chính giảm thiểu, đồng thời tạo dựng lòng tin vững chắc cho các nhà đầu tư. Một khi các rào cản thủ tục được gỡ bỏ, dòng vốn FDI sẽ có cơ hội chảy vào nhiều lĩnh vực tiềm năng, từ công nghiệp chế biến, chế tạo đến công nghệ cao và dịch vụ. Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khu thương mại tự do (FTZ) là một loại đặc khu kinh tế, nơi hàng hóa được nhập khẩu, lưu trữ, xử lý, sản xuất hoặc gia công trước khi xuất khẩu với ưu đãi hải quan và thường miễn thuế. FTZ thường được đặt tại các cảng biển, sân bay lớn hoặc cửa ngõ quốc gia để tận dụng tối đa lợi thế thương mại. Đây là mô hình hiệu quả giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu và phát triển logistics nhờ cung cấp cơ chế thông thoáng, giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách miễn giảm thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, việc triển khai cảng miễn thuế và cổng một cửa đầu tư quốc gia không chỉ giúp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh mà còn tạo động lực phát triển bền vững. Đây là những bước đi mang tính chiến lược, thể hiện sự chủ động và quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có để vươn lên khẳng định vị thế.