![]() |
"Kinh tế tư nhân", "doanh nghiệp tư nhân" là những cụm từ đang được đề cập đến rất nhiều trong thời điểm này |
GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực chia sẻ: “Những dấu ấn cố Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Minh Đoan không chỉ là một kỷ niệm, mà còn là ngọn lửa soi đường, là biểu tượng của tầm nhìn lãnh đạo vượt thời đại. Chính sự đồng hành quyết đoán, liêm chính và đột phá của ông góp phần đưa doanh nghiệp tư nhân từ những bước đi “dò đường” trở thành trụ cột của nền kinh tế”.
Khởi đầu với “ném đá dò đường” và khát vọng đổi thay
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, khái niệm “doanh nhân” hay “kinh tế tư nhân” còn mờ nhạt trong tư duy của người dân và một số cán bộ quản lý. Với doanh nhân, GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ, làm kinh tế tư nhân thời bấy giờ giống như “ném đá dò đường” - vừa bước đi, vừa kiến nghị, vừa đấu tranh để thay đổi những chính sách bất cập, kìm hãm sự phát triển. “Đó là thời kỳ mà doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải tự mò mẫm, mạnh ai nấy làm, quản lý theo kiểu gia đình, trong khi chính sách chưa theo kịp nhịp đập của thị trường,” doanh nhân Nguyễn Văn Đệ hồi tưởng.
Năm 2003, từ thành công của Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ quyết định mở rộng sang lĩnh vực mới. Ban đầu, kế hoạch là một khách sạn 9 tầng tại cửa ngõ TP. Thanh Hóa. Nhưng rồi, một hình ảnh ám ảnh đã thay đổi tất cả: người dân quê ông, cơm đùm cơm nắm, dắt díu nhau từ sáng sớm ra Hà Nội khám chữa bệnh. “Tại sao cứ phải ra tuyến Trung ương? Tại sao họ phải chịu cảnh ly hương để tìm sự sống? Không lẽ vùng đất này không thể tự chữa lành chính mình? Một người đi chữa bệnh kéo theo mấy người chăm sóc, tiền đâu cho đủ?” – những dấu chấm hỏi ấy khiến ông trăn trở khôn nguôi.
Vậy là, giữa lúc công trình khách sạn đang vươn tới tầng thứ 4, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ và Hội đồng quản trị đưa ra quyết định táo bạo: Chuyển đổi sang xây dựng bệnh viện tư nhân đầu tiên tại địa phương – một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ. Quyết định ấy vấp phải không ít phản đối. “Bạn bè tôi lắc đầu, nghi ngờ. Một số cán bộ nhà nước còn thẳng thắn: Ông biết gì về y tế mà đòi làm bệnh viện? Quá liều lĩnh, dễ phá sản lắm!” - nhiều người cảnh báo. Thậm chí, trước cuộc họp thông qua chủ trương, một lãnh đạo tỉnh còn thẳng thừng: “Ông đề xuất vớ vẩn, làm mất thời gian của anh em!” Nhưng ông Đệ không nản lòng, bởi trong ông cháy bỏng khát vọng thay đổi cuộc sống cho người dân quê hương.
Người lãnh đạo “mở đường” cho khát vọng
Giữa muôn vàn rào cản, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tìm thấy "ánh sáng" từ một người lãnh đạo đặc biệt - cố Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Minh Đoan.
Với ông Đệ, ký ức về cố Chủ tịch không chỉ là hình ảnh một con người liêm khiết, mà còn là một nhà lãnh đạo có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm. “Tôi nhớ mãi câu nói của anh Đoan: Việc đầu tư bệnh viện là tiền của doanh nghiệp, cứ để cho người ta làm. Nếu không được, họ sẽ trả đất lại cho tỉnh. Thua lỗ, phá sản thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, họ tự mang gạch về nhà. Nhà nước không phải bỏ ngân sách mà vẫn có công trình phục vụ người dân thì phải nên ủng hộ họ. Chính sự quyết đoán ấy đã tháo gỡ nút thắt, mở đường cho tôi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực,” ông Đệ xúc động kể lại.
![]() |
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ kể lại kỷ niệm với cố Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Minh Đoan |
Nhờ sự ủng hộ của cố Chủ tịch Phạm Minh Đoan, bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Thanh Hóa ra đời, đánh dấu bước ngoặt cho hệ thống y tế địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển của y tế tư nhân trên cả nước. Thành công của Hợp Lực sau đó được ông Nguyễn Văn Lợi – khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đánh giá là “bước ngoặt quan trọng”, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, phá bỏ tư duy độc quyền, xóa bỏ nạn phong bì, buộc các bệnh viện công lập phải tự đổi mới để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đến nay, riêng tỉnh Thanh Hóa đã có 20 bệnh viện tư nhân, với trên 4.000 giường bệnh nội trú, chiếm khoảng 25% tổng số giường bệnh toàn tỉnh, thuộc nhóm cao nhất cả nước, vượt 2,5 lần so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCHTW khóa XII và Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tỷ lệ giường bệnh tư nhân/tổng số giường bệnh đạt 10% đến năm 2025 và 15% đến năm 2030).
Không dừng lại ở đó, tinh thần tiên phong của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tiếp tục được thử thách khi đầu tư vào lĩnh vực hỏa táng - một ngành nghề nhạy cảm, đụng chạm đến tín ngưỡng và phong tục. “Nhìn người dân Thanh Hóa mất 5 tiếng đồng hồ đưa người thân ra Hải Phòng hỏa táng, rồi lại 5 tiếng rồng rắn trở về, tôi thấy xót xa. Tại sao mình không làm được điều đó ngay tại quê nhà?”. Từ trăn trở ấy, Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Hóa ra đời, không chỉ là một dịch vụ mà còn là biểu tượng giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất và giảm gánh nặng cho người dân.
Tầm nhìn vượt thời đại của một nhà lãnh đạo
Với lòng quyết tâm dấn thân của một doanh nghiệp có tâm, có tầm, Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ đã biến một hợp tác xã vận tải nhỏ bé thành Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực sở hữu 20 đơn vị thành viên, gần 2.000 lao động, với Đảng bộ doanh nghiệp gần 200 đảng viên, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tỉnh Thanh Hoá ghi nhận tôn vinh khen thưởng nhiều giải thưởng cao quý.
Sự thành công của Hợp Lực và doanh nhân Nguyễn Văn Đệ ngày hôm nay không thể tách rời sự đồng hành của cố Chủ tịch Phạm Minh Đoan. Ông không chỉ là người “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, mà còn là tấm gương về sự liêm chính, dám nghĩ dám làm, đặt lợi ích của nhân dân và sự phát triển của địa phương lên trên hết. “Trong suốt cuộc đời công tác, dù ở cương vị nào, anh Đoan cũng luôn nỗ lực vượt khó, sống giản dị, gần gũi với nhân dân và doanh nghiệp. Đó là điều khiến tôi và bao người kính trọng,” ông Đệ chia sẻ.
Hình ảnh cố Chủ tịch Phạm Minh Đoan không chỉ là một kỷ niệm cá nhân, mà còn là biểu tượng của tầm nhìn lãnh đạo - một tầm nhìn không bị bó hẹp bởi lợi ích cá nhân, mà hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng, vì sự phát triển chung của tỉnh nhà. Trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đang nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân như “động lực quan trọng nhất” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tinh thần của ông Phạm Minh Đoan càng trở nên ý nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Đệ xúc động: “Ký ức về cố Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Đoan là hình ảnh một lãnh đạo liêm khiết, giản dị, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp. Ông ấy dám nghĩ, dám làm, để lại dấu ấn không phai trong lòng tôi.”
Doanh nhân - “rường cột” của dân tộc
Ngày nay, từ những bước đi “dò đường,” kinh tế tư nhân đã trở thành trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 cắt giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh không cần thiết, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm,” đẩy mạnh chính phủ số để hỗ trợ doanh nghiệp. Với doanh nhân, GS. Viện sĩ danh dự Nguyễn Văn Đệ, đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập.
“Cả đời tôi trăn trở với hai tiếng “doanh nhân”. Mỗi lần nhắc đến, tôi thấy trong tim mình một sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, cống hiến cho quê hương. Doanh nhân không phải là “con buôn” như định kiến xưa mà là những người tiên phong, là “rường cột” của sự phát triển,” - Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tâm sự.
![]() |
Cả cuộc đời ông Nguyễn Văn Đệ luôn thổn thức với 2 tiếng "doanh nhân" |
Biết bao nhiêu năm qua, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn cảm giác "tủi thân" khi ở đâu đó vẫn còn từ “ngoài công lập”, “doanh nghiệp ngoài nhà nước” trong các văn bản hành chính. Ông Đệ cho rằng: Không có “trong” hay “ngoài”, chỉ có chất lượng làm thước đo. Hãy đừng phân biệt Nhà nước hay tư nhân, mà hãy nhìn vào đóng góp cho xã hội.
Đằng sau những trăn trở và những thành công trong cuộc đời, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ không bao giờ quên người đã đặt nền móng cho giấc mơ của mình - cố Chủ tịch Phạm Minh Đoan. “Nếu không có anh Đoan, có lẽ tôi và Hợp Lực đã không thể đi xa đến vậy. Ông là ngọn lửa truyền cảm hứng, là bài học về trách nhiệm của người lãnh đạo đối với sự nghiệp chung của đất nước,”- ông Đệ nói, giọng trầm ấm mà đầy tự hào.
Hình ảnh cố Chủ tịch Phạm Minh Đoan, qua lời kể của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ là một ký ức đẹp và là lời nhắc nhở sâu sắc: Sự phát triển của doanh nghiệp, của địa phương và đất nước chỉ có thể bền vững khi có những nhà lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, đặt lợi ích chung lên trên hết. Đó là tinh thần mà hôm nay, trong thời đại mới, chúng ta cần tiếp nối và lan tỏa.