![]() |
Phân quyền tài chính 2 cấp: Khi mô hình mới gặp bài toán cũ |
Tại hội nghị lấy ý kiến về các văn bản pháp luật do Bộ Tài chính tổ chức chiều 26/5, nhiều địa phương đã cùng lên tiếng kiến nghị: nguyên tắc chuyển giao thẩm quyền giữa các cấp trong mô hình chính quyền hai cấp cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh mô hình tổ chức chính quyền hai cấp chuẩn bị chính thức vận hành từ 1/7/2025.
Hội nghị lần này nhằm góp ý cho 5 dự thảo nghị định và 7 thông tư liên quan đến phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, từ quản lý tài sản công, thuế - phí, đến đầu tư công và thống kê nhà nước. Nhưng vấn đề nổi bật nhất lại nằm ở sự lúng túng của các địa phương khi đối mặt với thực tiễn triển khai.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, riêng công tác chuẩn bị rà soát 23.000 dự án đầu tư cấp huyện để phù hợp với mô hình mới đã là một khối lượng công việc khổng lồ. Trong khi đó, việc tách các gói thầu từ cấp quận cho các xã mới theo địa giới hành chính mới lại gặp vướng mắc do các gói thầu này đã được triển khai trước đó.
Từ Hà Nội đến Hải Phòng, cùng chung một băn khoăn: nên giao cho cấp nào khi một dự án nằm trên nhiều xã? Nếu để xã chủ trì thì dễ dẫn đến xung đột hoặc khó quản lý, trong khi cấp huyện và cấp tỉnh lại bị giới hạn thẩm quyền theo mô hình mới.
Chính vì vậy, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung cơ chế linh hoạt cho phép UBND tỉnh được quyết định giao nhiệm vụ cho cấp xã dựa trên năng lực thực tế. Đồng thời, cần quy định rõ nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, nhiệm vụ nào giao về cấp xã – tránh tình trạng "đẩy trách nhiệm" hoặc "chồng chéo quyền lực".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã phản hồi thẳng thắn: mỗi địa phương có điều kiện riêng, vì thế cần thiết kế cơ chế phân cấp “mở”, linh hoạt. Tinh thần là: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Nếu cấp xã không đủ năng lực, thì có thể giao cho cấp tỉnh.
Liên quan đến các cơ quan chuyên môn như thuế, kho bạc, hải quan, Bộ Tài chính cũng đang chuẩn bị các điều chỉnh phù hợp với mô hình tổ chức mới, bảo đảm không gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước về tài chính.
Một điểm nóng khác là vấn đề quy hoạch trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính. Theo quy định cũ, muốn lập quy hoạch chi tiết thì phải chờ quy hoạch chung, gây tắc nghẽn tiến độ. Tuy nhiên, với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi đang trình Quốc hội, các loại quy hoạch có thể lập song song và cập nhật sau – mở ra sự linh hoạt cần thiết cho địa phương.
Về tổng thể, mô hình chính quyền hai cấp sẽ là bước tiến quan trọng trong cải cách tổ chức hành chính, nhưng để vận hành hiệu quả, các quy định về phân quyền cần được cụ thể hóa, tránh “mơ hồ” trong trách nhiệm và quyền hạn. Sự rõ ràng trong nguyên tắc phân cấp chính là chìa khóa để các địa phương chủ động triển khai mà không bị lúng túng.