![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh TTO |
Theo TBT Tô Lâm khẳng định tại hội nghị toàn quốc ngày 18/5/2025 về Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW: Bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới) là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh.
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân hiện tại có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Nghị quyết số 68-NQ/TW khẳng định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia...Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước. Trước mắt, trong năm 2025, phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được nói tới rất nhiều trong thời gian dài vừa qua, song với Nghị quyết 68 lần đầu tiên Đảng ta, cụ thể là BCT khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò động lực quan trọng nhất trong phát triển của nền kinh tế, đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh, năng suất lao động, tạo việc làm, cũng như giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội... Tinh thần của Nghị quyết được thấm nhuần từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng lan toả đến toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội và chắc chắn sẽ được thể hiện trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Nghị quyết 68 được ban hành cho thấy một sự cầu thị, một sự dũng cảm về mặt chính trị của Đảng ta, thể hiện sự chuyển mình trong nhận thức của Đảng ta cả về lý luận và về thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Nếu Nghị quyết này được thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ tạo ra Kỷ nguyên mới cho sự phát triển cho cả đất nước và cả cộng đồng kinh tế tư nhân.
Nghị quyết 68 đã khẳng định cần đột phá về môi trường thể chế, theo đó không chỉ tôn trọng quyền sở hữu tài sản, trí tuệ, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và cơ chể đủ mạnh và thực chất để giải quyết hài hoà, hiệu quả các tranh chấp thương mại khác trong hoạt động của kinh tế tư nhân… Đây là những điều tối quan trọng để kinh tế tư nhân phát triển và dám lớn, dám liên kết để vươn mình trong tương lai. Đông đảo người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi Nghị quyết 68 ra đời và các nội dung được triển khai thực hiện tốt trên thực tế, chắc rằng kinh tế tư nhân không còn bất kỳ trở ngại nào nữa trên hành trình sánh vai cùng các thành phần kinh tế khác, cả trong nước và nước ngoài.
Trên thực tế, những vấn đề và đột phá cần có cho phát triển kinh tế tư nhân đã được bàn tới rất nhiều và được đưa dần vào Nghị quyết của Đảng. Trở ngại lớn nhất của kinh tế tư nhân đó chính là sự kỳ thị; chưa thể chế hóa bảo vệ quyền của kinh tế tư nhân, còn thiếu đơn đặt hàng của Nhà nước và kinh tế tư nhân không được làm hoặc khó tiếp cận những dự án lớn của quốc gia. Bởi thế, kinh tế tư nhân không dám lớn, dẫn đến hiện tượng kinh doanh hộ gia đình là phổ biến và nhiều khi hộ kinh doanh và hợp tác xã có quy mô hoạt động còn to hơn cả doanh nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết 68 có một điểm mới rất tích cực, đó là chú ý hài hoà hơn và xây dựng cơ chế hỗ trợ, quản lý đặc thù phù hợp, linh hoạt hơn với cả 3 nhóm kinh tế tư nhân (tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh) để định hình nền kinh tế có cơ cấu hai tầng, cụ thể: Tầng trên là phát triển các tập đoàn lớn có vai trò dẫn dắt, mang tầm quốc gia và khu vực làm “xương sống” trong nền kinh tế. Tầng dưới là phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, vừa hình thành mạng lưới riêng, vừa kết nối với các tập đoàn theo mô hình thành công của các nước NICs…
Nghị quyết đã bao quát, để nhìn ra một khu vực kinh tế tư nhân tiềm tàng, không chỉ gói gọn trong hơn 940 nghìn doanh nghiệp tư nhân, mà còn nhìn tới 5 triệu hộ kinh doanh, những ứng cử viên doanh nghiệp tiềm tàng của kinh tế tư nhân tương lai.
Mới đây, VinSpeed đăng ký làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dư luận nhìn chung đang có xu hướng ủng hộ chúng ta tạo điều kiện để họ làm, hoặc để họ cùng với các tập đoàn khác thành lập liên minh các tập đoàn tư nhân của Việt Nam đảm nhận dự án này. Chính sự thành công của dự án sẽ là phép thử và biểu tượng tiêu biểu, tập trung và thuyết phục nhất cho sự đột phá lớn nhất từ trước đến nay cả về nhận thức, thể chế và tâm lý của cả hệ thống chính trị và xã hội, thước đo năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và minh chứng sự trưởng thành vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân cả về năng lực và khát vọng cống hiến, cũng như lsaf lời giải thực tế thuyết phục nhất trong việc triển khai Nghị quyết 68 vào thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta thời gian tới. Hiện tại, kinh tế tư nhân như một đứa trẻ đang lớn, nếu không cho phép nó tự lập, tham gia làm việc lớn, sợ những điều này, điều kia thì làm nó sao lớn được!?
Tóm lại, Nhà nước không chỉ là nhà thiết kế và quản lý luật chơi, mà còn phải là người mua đặt hàng lớn nhất, phải giao dự án lớn, việc lớn tầm quốc gia cho kinh tế tư nhân làm và tất nhiên, kèm theo các kịch bản, với các tình huống giả định và cơ chế giám sát, kiểm soát, điều chỉnh và quản lý hiệu lực và hiệu quả phòng ngừa cho mọi tình hướng phát sinh để tránh tất cả các mặt trái có thể xảy ra, đảm bảo hài hoà lợi ích, an ninh như chỉ đạo của Nghị quyết. Nếu cả xã hội đồng thuận và chính sách Nhà nước tốt để cho tư nhân làm thành công đường sắt cao tốc Bác -Nam thì đó chính là đột phá lớn nhất và cũng chính là “phép thử” cho toàn bộ chính sách của Đảng ta về kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được nói tới rất nhiều ở các cấp độ và thời điểm; Trên thực tế, họ gặp khó khăn trong nhiều lĩnh vực và mọi khía cạnh trong mọi hoạt động của mình, từ các yếu tố nguồn lực đầu vào đến các sản phẩm đầu ra và ngay trong quản trị nội bộ doanh nghiệp, cả khách quan và chủ quan, trước mắt và trung hạn…
Một trong những khó khăn cần nhấn mạnh đặc biệt gắn với thực tế là họ phải “thân lập thân”, tự làm một mình, gần như từ a-z, thiếu sức sống cộng đồng và sức mạnh từ sự hợp tác, liên kết và áp dụng công nghệ tiên tiến. Các thể chế hiện hành thì thiếu hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, của những cổ đông nhỏ trong các doanh nghiệp cổ phần, nhất là trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng và lợi ích phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử là, kinh doanh thường gắn với nợ nần, không đòi được nợ thì không thì ai trụ vững được trong kinh doanh. Trong khi trên thực tế, cơ chế cho việc đòi nợ nhau đang là “mớ bòng bong” chưa có lời giải tin cậy đối với nhiều doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực; Điều này vừa tạo sức cản phát triển, vừa tạo nguy cơ bùng nỗ và đổ vỡ chu kỳ trong hoạt động kinh tế, kinh doanh ở mọi cấp độ với hệ luỵ khó lường…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu chiến lược đầu tư dài hạn và họ cũng không có “sân chơi” riêng được tạo ra bởi Luật về Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao “đấu” lại được với những “ông lớn” doanh nghiệp khác. Cho nên phải có quy định pháp luật phù hợp để khoanh vùng lại, mở các thị trường ngách cho họ làm, mở có hội để họ kết hợp với các doanh nghiệp và tập đoàn lớn làm những dự án lớn và qua đó mới lớn lên được.
Một doanh nghiệp, một chuỗi kinh doanh khi hoạt động cần những điều kiện thể chế gì để đảm bảo sự hoạt động ổn định và hiệu quả thì chính sách phải giải quyết được những điều đó. Nói cách khác, những giải pháp hỗ trợ phải bao quát cả hệ sinh thái, gồm cả luật, cả những yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra… mới thúc đẩy được sự phát triển của doanh nghiệp.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần “lao tâm khổ tứ” hơn, đồng hành hơn với doanh nghiệp, tiếp tục cập nhật và cụ thể hóa nhiều hơn nữa các chính sách cần cho doanh nghiệp, để thiết kế một hệ sinh thái phù hợp với họ trên cơ sở lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh tế,
Đặc biệt, việc bài trừ tham nhũng, nhũng nhiễu làm tăng tổn phí và cạn kiệt các nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp phải được ưu tiên thực hiện cao nhất…
![]() |
Một trong những khó khăn của SME gắn với thực tế là họ phải “thân lập thân” |
Hiện nay tài sản công (nhất là quỹ đất và bất động sản) tồn đọng và hoang phí rất nhiều, nhất là từ nguồn tài sản của các cơ quan sau tinh gọn, cũng như tài sản dư thừa của các cơ quan sau khi có lệnh cấm cho thuê.... Ý tưởng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương là một giải pháp rất tốt vì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về cơ sở vật chất sản xuất, kinh doanh, cũng như giúp tăng hiệu quả, giảm lãng phí nguồn lực này của xã hội. Giải pháp này cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn, thuận lợi hơn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế đất nước, để phát triển mạnh mẽ, “vươn cao, vươn xa” hơn trên cơ sở phải hoạt động đúng pháp luật; coi trọng xây dựng và thực hiện văn hoá doanh nghiệp; phải có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phải có khát vọng vươn lên… như được đề cập trong cả Nghị quyết 68 và các Nghị quyết khác trước đó của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp và doanh nhân, Điều quan trọng hơn là phải coi trong sự hợp tác và cố kết, gắn bó, hỗ trợ cộng đồng với nhau, phải bỏ những tính xấu theo kiểu làm ăn “chộp giật”, phi pháp hoặc coi thường lợi ích của khách hàng, của đối tác và người tiêu dùng.
Đồng thời, cần tích cực nghiên cứu thị trường, tích cực thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh về tiện ích và giá cả, xây dựng thương hiệu riêng và tìm hiểu các môi trường đầu tư của nước ngoài, xuất khẩu của nước ngoài để đáp ứng được yêu cầu và xuất khẩu; coi trọng hợp lực với nhau và thúc đẩy xu hướng hình thành, phát triển các công ty cổ phần, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Nếu làm 1 mình từ A-Z thì mãi mãi vẫn rất nhỏ và loanh quanh sân nhà.
Quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết nêu trên của BCT và được tin tưởng, tạo điều kiện và xứng đáng với niềm tin đó, cả từ Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp đối tác và thị trường, người tiêu dùng thì cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh và củng cố vị thế, vai trò của mình…