Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024 ngày 7/10, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế, dù vừa qua đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của Bão số 3 (Yagi).
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý 3 và 9 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tăng trưởng GDP quý III/2024 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,95%.
Đặc biệt, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%). Một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi Bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)….
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. |
Mặc dù đánh giá cao những xu hướng tích cực của nền kinh tế, nhưng Bộ trưởng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ.
Về phía cung, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc. Cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV/2024 và đầu năm 2025.
Về phía cầu, tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm, nguồn lực đầu tư của khu vực Nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).
Bên cạnh đó, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025 trong bối cảnh áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu tương đồng với Việt Nam gia tăng. Do đó, thị trường trong nước cần được quan tâm, thúc đẩy, khai thác hiệu quả hơn để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài.
Chưa kể, thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn. Các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả.
Báo cáo tại hội nghị, ông Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả quý III/2024 và 9 tháng, với tăng trưởng GDP tương ứng là 7,4% và 6,82%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV/2024 khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.
Để đạt được mức tăng trưởng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV/2024. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp cần sớm khắc phục hậu quả sao bão để khôi phục sản xuất - kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.
Tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược. Tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
“Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực; Đề án Phát triển thị trường carbon, khu thương mại tự do tại các địa phương...”, ông Dũng nhấn mạnh.