Nghịch lý lao động Việt sang Campuchia thi đi xuất khẩu lao động tại Nhật

15:44 10/03/2023

Việt Nam là quốc gia trong nhóm ít các nước hợp tác với Nhật về chương trình kỹ năng đặc định, nhưng tiến độ triển khai kỳ thi (gồm kỹ năng nghề và tiếng Nhật) của Việt Nam hiện rất chậm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

“Ban đầu, chúng ta có nhiều lợi thế nhất, vì Nhật Bản từ trước đến nay thích tuyển lao động Việt. Nhưng hiện không ít đối tác Nhật đang chuyển hướng chọn lao động từ Indonesia, Philippines, Campuchia… Chúng tôi đang lo mất thị phần vào tay DN nước khác. Các DN đã không ít lần kiến nghị với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Bộ LĐ-TB&XH sớm triển khai nhưng đến giờ, không có lời giải thích”, lãnh đạo 1 doanh nghiệp chia sẻ, theo Tiền phong.

Việt Nam và Nhật Bản chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý để triển khai chương trình “lao động kỹ năng đặc định” năm 2019. Đây là chương trình tiếp nhận lao động có trình độ tay nghề của Nhật đối với những thực tập sinh từng đi làm việc tại Nhật hay du học sinh Việt đang học tại nước này…

Với chương trình kỹ năng đặc định, phía Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng khoảng 350 nghìn lao động, trong 14 ngành nghề gồm xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp; thực phẩm, nhà hàng ăn uống, ngư nghiệp; lưu trú khách sạn…Khi tham gia chương trình kỹ năng đặc định, lao động hầu như không phải bỏ chi phí. Các khoản phí học tiếng, đào tạo, vé máy bay khứ hồi… đều được phía Nhật chi trả; đồng thời người lao động được hưởng mức lương và các chế độ tương đương với lao động Nhật Bản.

Theo các DN, việc chậm trễ trong khâu đàm phán của Bộ LĐ-TB&XH không chỉ khiến người lao động phát sinh thêm hàng loạt chi phí, mà còn khiến các DN Việt bỏ lỡ cơ hội.

“Ban đầu, chúng ta có nhiều lợi thế nhất vì Nhật Bản từ trước đến nay thích tuyển lao động Việt. Nhưng hiện không ít đối tác Nhật đang chuyển hướng chọn lao động Indonesia, Philippines, Campuchia…Chúng tôi đang lo mất thị phần vào tay của DN nước khác. Các DN đã không ít lần kiến nghị với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Bộ LĐ-TB&XH sớm triển khai nhưng đến giờ, không có lời giải thích”, lãnh đạo 1 DN nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (người phụ trách chương trình) cho biết, chương trình kỹ năng đặc định do các nước ký thỏa thuận song phương nên các nội dung đàm phán cũng khác nhau. Cục vẫn đang trao đổi với Nhật Bản về vấn đề kỹ thuật để tổ chức kỳ thi.

Đề cập việc vì sao Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai các kỳ thi kỹ năng đặc định khiến nhiều lao động phải bỏ tiền ra nước ngoài thi, ông Hương nói: “Do mỗi nước có đặc thù riêng. Nhật muốn tuyển lao động, họ phải chủ động và đề xuất thời gian thi với chúng ta”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm, dự kiến trong tháng 3, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ sang Việt Nam để thống nhất phương thức tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận “có một số vướng mắc nên chương trình mới chậm. Việc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước rõ nhất, Bộ đã giao cục khẩn trương giải quyết”, ông Hoan nói.

Theo Tiền phong