Nghị quyết 206/2025/QH15 xác định rõ ba nhóm vấn đề cốt lõi cần tập trung tháo gỡ. Thứ nhất là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Thứ hai là những quy định không rõ ràng, thiếu tính khả thi, dẫn tới nhiều cách hiểu và cách vận dụng khác nhau trong thực tiễn. Thứ ba là các quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, hạn chế đổi mới sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của các động lực tăng trưởng mới và làm suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Việc xác lập tiêu chí nhận diện cụ thể các “điểm nghẽn” nêu trên giúp cơ quan chức năng có cơ sở để tập trung xử lý đúng trọng tâm, trọng điểm. Mục tiêu không chỉ tháo gỡ khó khăn trước mắt, mà sâu xa hơn là biến pháp luật thành một lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ cho sự vận hành thông suốt và minh bạch của nền kinh tế.
Để bảo đảm tính hiệu quả và đồng bộ, Nghị quyết 206/2025/QH15 đề ra bốn nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xử lý các vấn đề pháp lý: Phải tuân thủ chủ trương của Đảng và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực chặt chẽ, phòng ngừa tham nhũng và lợi ích nhóm; xử lý nhanh, kịp thời nhưng không trái với các cam kết quốc tế; đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền tự do hợp đồng.
![]() |
Nghị quyết 206/2025/QH15 mở khóa điểm nghẽn pháp lý, tạo đột phá phát triển kinh tế |
Trên nền tảng các nguyên tắc đó, Nghị quyết đề xuất nhiều phương án linh hoạt để xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn. Có thể là giải thích luật và hướng dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thủ tục rút gọn để ban hành văn bản mới hoặc điều chỉnh, bổ sung quy định cũ.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian Quốc hội chưa kịp sửa đổi, có thể tạm thời điều chỉnh quy định bằng nghị quyết của Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với điều kiện không liên quan đến các vấn đề thuộc phạm vi bảo hiến như quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy, tố tụng, hình sự...
Một điểm đột phá đáng chú ý của Nghị quyết 206/2025/QH15 là việc rút gọn quy trình ban hành nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh các quy định chưa được sửa đổi kịp thời. Toàn bộ quy trình chỉ diễn ra trong 15 ngày làm việc. Theo đó, cơ quan chủ trì sẽ xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết; Hội đồng thẩm định độc lập sẽ thẩm định trong 5 ngày; hồ sơ được chỉnh lý theo góp ý trong 5 ngày tiếp theo và cuối cùng, Chính phủ xem xét, thông qua trong 5 ngày còn lại. Đây được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo tính kịp thời và linh hoạt của hệ thống pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự cẩn trọng và hài hòa lợi ích, Nghị quyết 206/2025/QH15 cũng quy định rõ, nếu nội dung nghị quyết của Chính phủ điều chỉnh vấn đề chưa được luật quy định hoặc có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thì bắt buộc phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng trước khi ban hành. Đồng thời, các nghị quyết này phải xác định rõ thời điểm hết hiệu lực, nhưng không vượt quá ngày 01/3/2027, và phải nêu rõ danh mục các văn bản, điều khoản cụ thể được điều chỉnh.
Không chỉ dừng lại ở việc mở ra một cơ chế linh hoạt xử lý các vướng mắc pháp lý, Nghị quyết 206/2025/QH15 còn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chất lượng thể chế. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trong thời gian tới, sự đồng hành, chủ động của các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt để cơ chế đặc biệt này thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, từ đó khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hơn.