Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407) và các hướng dẫn của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương, của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch số 900/KH-UBND ngày 21/3/2024 triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg; Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án.
Trong báo cáo với Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương làm việc tại tỉnh Long An mới đây, Giám đốc Sở Tư pháp - bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch Thường trực phối hợp PBGDPL tỉnh Long An cho biết, kết quả triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL).
Giám đốc Sở Tư pháp - bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó Chủ tịch Thường trực phối hợp PBGDPL tỉnh Long An. |
Theo đó, năm 2023, UBND tỉnh ban hành 63 Quyết định QPPL và trình HĐND tỉnh thông qua 31 Nghị quyết QPPL, trong đó có 03 dự thảo chính sách phải thực hiện hoạt động truyền thông theo quy định của Đề án 407. Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương cũng đã chủ động, kịp thời tổ chức truyền thông các chính sách pháp luật của Trung ương đến các đối tượng theo quy định.
Năm 2024, dự kiến các cơ quan, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 38 Nghị quyết QPPL, trong đó có 04 dự thảo chính sách phải thực hiện hoạt động truyền thông chính sách theo tinh thần của Đề án 407.
Các cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện truyền thông bằng các hình thức phù hợp như: thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều, giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL; đăng tải toàn văn dự thảo lên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh lấy ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; Trang thông tin điện tử của sở, ngành chủ trì soạn thảo để kịp thời lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và cá nhân; tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đối tượng có liên quan. Các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh phối hợp thực hiện truyền thông chính sách thông qua việc tổ chức hội thảo, hội nghị, các buổi toạ đàm về pháp luật do sở, ngành tham mưu tổ chức, trong đó có nội dung truyền thông chính sách để người dân tiếp cận và chủ động tham gia góp ý đối với các chính sách, quy định pháp luật.
Nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ công chức, báo cáo viên pháp luật và những người tham mưu thực hiện truyền thông dự thảo chính sách trên địa bàn tỉnh, tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau.
Bên cạnh đó, đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, người lao động trong doanh nghiệp; nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc… Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới năm 2023 tập trung được 284 cuộc với 7.113 lượt người tham dự; tuyên truyền nhỏ lẻ được 191 cuộc với 5.613 lượt người nghe. Đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng 284 tin bài, 12 chuyên trang, 6 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” phản ánh hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới của BĐBP và đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép…
PBGDPL trong các cán bộ, đảng viên. |
Duy trì hiệu quả các trang, nhóm trên Facebook và Zalo để tham gia đấu tranh phản bác với các tài khoản xấu độc trên không gian mạng theo định hướng, chỉ đạo của Cục Chính trị BĐBP như: trang Fanpage “Giữ mãi màu xanh biên cương”, nhóm “Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An” với lượng theo dõi khoảng gần 4.000 người; lượt tương tác trung bình 2.000 lượt người/tháng, chia sẻ trên 50-70 tin, bài viết, video clip có nội dung tốt từ nguồn tin chính thức của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Quân ủy Trung ương.
Ngành Công an tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình có hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn; mô hình “Không có tội phạm về ma túy, không có người sử dụng trái phép chất ma túy”, “03 quản, 03 giúp người nghiện ma tuý, người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh”; mô hình“Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng dân cư”; mô hình “Nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phòng, chống tội phạm”; mô hình “Tuyên truyền phòng ngừa không để ma túy xâm nhập cộng đồng dân cư” ; mô hình “Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5”; mô hình “Phối hợp 05 lực lượng trong tuần tra phòng, chống tội phạm”… đã phát huy hiệu quả trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT nói chung và công tác phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng…
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm |
Tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm cho rằng, tỉnh luôn xác định tuyên truyền, PBGDPL đóng vai trò quan trọng trong điều hành, quản lý nhà nước. “Việc tuyên truyền, PBGDPL thời gian qua đã kịp thời đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm hiểu biết pháp luật, tạo sự đồng thuận trong đời sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển KT-XH nhanh, bền vững”- ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh.
Với những gì mà tỉnh Long An đã làm được, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đánh giá, tỉnh Long An đã triển khai các mặt công tác khá toàn diện, lực lượng công an, biên phòng… có nhiều mô hình hay, bám sát từng cơ sở, triển khai đến từng đối tượng đặc thù trên phạm vi địa bàn huyện. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự thẳng thắn của Long An khi nhìn nhận trực diện các vấn đề khó khăn, hạn chế tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp nói chung thực hiện bảo đảm tính toàn diện. Đặc biệt đối với các địa phương có nhiều khu công nghiệp với nhiều công nhân và các vùng biên giới. Ngoài ra, theo Thứ trưởng, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Long An cần hướng tới nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của đảng viên trong việc tuyên truyền PBGDPL. Mỗi một đảng viên đều phải đóng vai trò tuyên truyền, như vậy công tác tuyên truyền sẽ đến với từng cấp, ngành, cơ sở…