Nghị định này có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là việc sửa đổi điểm d, k và bổ sung điểm m khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, làm rõ hơn tiêu chí xác định quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp.
![]() |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP liên quan đến quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. |
Cụ thể, theo quy định trước đây tại điểm d khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, quan hệ liên kết được xác định khi một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cấp vốn vay cho một doanh nghiệp khác với điều kiện khoản vay chiếm ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn. Tuy nhiên, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP đã điều chỉnh quy định này, tập trung vào tổng dư nợ giữa hai bên để phản ánh chính xác hơn bản chất tài chính của giao dịch.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng bổ sung các trường hợp ngoại lệ không bị xem là quan hệ liên kết, bao gồm các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nhưng không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia kiểm soát, góp vốn hay đầu tư vào doanh nghiệp đi vay. Điều này giúp tránh cách tiếp cận cứng nhắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Ngoài ra, điểm k khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP trước đây xác định quan hệ liên kết khi một doanh nghiệp chịu sự kiểm soát, điều hành hoặc quyết định thực tế từ một doanh nghiệp khác. Với Nghị định số 20/2025/NĐ-CP, quy định này đã được mở rộng, bao gồm cả các chi nhánh hạch toán độc lập có trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác định giao dịch liên kết.
Nhiều ý kiến đánh giá cao những thay đổi này, cho rằng đây là một chính sách quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc cắt giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh. Đáng chú ý, những điều chỉnh này giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng để hoạt động.
Việc ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP được đánh giá là một bước tiến quan trọng, không chỉ phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp mà còn đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.