Nghị định 126 có mâu thuẫn với Luật các tổ chức tín dụng và “o ép” doanh nghiệp?

09:20 25/11/2020

Nghị định 126/2020/NĐ-CP đến ngày 05/12 có hiệu lực, đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp lên tiếng liên quan đến vấn đề chậm nộp thuế và đại diện một số ngân hàng cũng tỏ ra không hài lòng khi phải cung cấp thông tin của khách hàng, mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.

Tại buổi đối thoại về chính sách thuế và hải quan tổ chức hôm 24/11, đại diện ngân hàng hỏi cách thức ngân hàng thương mại sẽ cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng ra sao? Hàng loạt vấn đề nóng được nhiều doanh nghiệp đặt ra và lo lắng sẽ bị phạt chậm nộp thuế khi Nghị định 126 nêu, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 3 quý đầu năm không ít hơn 75% tổng tiền thuế phải nộp của năm.

Hình minh họa.
Hình minh họa.. (Ảnh: Internet)

Đại diện phía ngân hàng: Nghị định 126 mâu thuẫn với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng?

Theo đại diện của một số ngân hàng cho biết, quy định trên đang mâu thuẫn với quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Luật các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại đơn vị mình cho tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận của khách hàng.

Bà Nguyễn Thu Ph. (đại diện ngân hàng X, Hạ Long) cho biết, trước nay ngân hàng vẫn cung cấp các thông tin của khách hàng khi nhận được yêu cầu của các cơ quan hành pháp, tư pháp như cơ quan cảnh sát điều tra, công an, tòa án. Trong khi đó, Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế không thuộc nhóm cơ quan hành pháp hay tư pháp được yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng kể trên.

“Hiện tại, ban lãnh đạo vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này. Đây mới là quy định tại nghị định và phải chờ thông tư hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, ở thời điểm này nếu cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng sẽ từ chối”, bà Nguyễn Thu Ph. nói.

Đại diện một ngân hàng khác, ông L.V.T cho biết, hiện tại vẫn chưa thể ghi nhận phản ứng từ phía khách hàng bởi nghị định kể trên chưa có hiệu lực.Tuy nhiên, những thông tin kể trên đều rất quan trọng và mang tính bảo mật cao của ngành ngân hàng. Dù có nghị định yêu cầu thì vẫn phải thông qua một bên thứ 3 như cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, ngân hàng mới có thể cung cấp. Trong khi đó, Bộ Tài chính hay Tổng cục Thuế không thuộc nhóm cơ quan hành pháp hay tư pháp được yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin của khách hàng kể trên.

“Nghị định mới ra đời cũng không thể nói có hay không, nhưng các ngân hàng hiện nay được quản lý theo luật chuyên ngành là Luật các tổ chức tín dụng. Về cơ bản, luật chuyên ngành luôn được áp dụng trước luật quy định chung. Ngoài ra, quy định kể trên mới ở trong nghị định chưa phải là luật nên xét về mặt pháp lý thì các ngân hàng vẫn phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng trước”, ông L.V.T khẳng định.

ông Lê Hoàng Tùng, kế toán trưởng Vietcombank băn khoăn về quy định ngân hàng phải có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập với khoản tiền nhận được từ Google, Facebook... Ảnh: L.Thanh
ông Lê Hoàng Tùng, kế toán trưởng Vietcombank băn khoăn về quy định ngân hàng phải có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập với khoản tiền nhận được từ Google, Facebook... Ảnh: L.Thanh.

Tại buổi đối thoại,ông Lê Hoàng Tùng, kế toán trưởng Vietcombank, hỏi cách thức ngân hàng thương mại sẽ cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng ra sao? Ngoài ra, ông Tùng cũng nêu tại nghị định 126 quy định, các ngân hàng thương mại có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn đối với các khoản thu nhập từ giao dịch điện tử phát sinh từ Google, Facebook…

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán bản chất là cung ứng dịch vụ thanh toán. Do vậy, trên thực tế, các ngân hàng, trung gian thanh toán thiếu thông tin về việc xác định khoản tiền nào liên quan đến thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế của khách hàng.

Phản ứng của dư luận

Khúc mắc lớn nhất của người dân đối với nghị định này là đi ngược lại luật và quy định về tính bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng.

Bà Nguyễn Mai Anh (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi không yên tâm khi thông tin cá nhân của chúng tôi bị tiết lộ. Nếu cung cấp thông tin khách hàng, lộ thông tin tài khoản, mất mát hoặc bị kẻ xấu lợi dụng bán thông tin khách hàng làm chuyện xấu thì ai chịu trách nhiệm? Thế này, tiền mặt lại lên ngôi!”

Một bạn trẻ có thói quen dùng thẻ tín dụng cho biết: "Nếu thực sự nghị định này được áp dụng, tôi tiêu bao nhiêu tiền, giao dịch với ai đều bị cơ quan thuế nắm được. Như vậy bản thân là người quan tâm tới bảo mật sẽ thấy không an toàn khi sử dụng thẻ tín dụng nữa. Nghị định trên đi ngược lại xu hướng không sử dụng tiền mặt. Hơn nữa, làm sao biết được số tiền nào là tiền kinh doanh, tiền nào là của bạn bè chuyển mượn mà tính thuế. Rồi tài sản ai có bao nhiêu, làm gì cũng biết hết thì còn gì là quyền riêng tư cần được tôn trọng."

 

 

Những bình luận trên một Trang tin điện tử về Nghị định 126.

Doanh nghiệp nói gì?

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Food cho biết: Quy định này như muốn ép DN phải nộp nhiều hơn tiền thuế nếu không muốn khả năng bị phạt tiền chậm nộp: "Số thuế 3 quý đầu năm nếu không được nộp ít hơn 75% số thuế của cả năm thì khác nào bắt DN phải chắc chắn tương lai. Quy định như trên có phần máy móc và không khác nào ép DN tạm nộp trước khi chưa biết doanh thu thế nào. Trong khi một số ngành nghề theo mùa vụ thì chu kỳ sản xuất rơi vào 3 tháng cuối năm.Nếu thực hiện đúng nghị định 126 thì rõ ràng chúng tôi đang “bị chiếm dụng vốn”. Cơ quan thuế hoạch định như thế chẳng khác nào đánh đố chúng tôi”.

Cũng nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc trước quy định mới. Trường hợp tạm nộp ít hơn tỉ lệ này thì doanh nghiệp bị tính tiền chậm nộp số thuế nộp thiếu, khi tương lai dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường năm nay và những năm tới, việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng.

Một số doanh nghiệp khác bày tỏ: Nhà nước luôn nói có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhưng khi doanh nghiệp vừa trải qua nhiều tổn thất vì đại dịch Covid, giờ lại bị o ép việc nộp thuế ở Nghị định 126, có khác nào quay lưng lại với doanh nghiệp?

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng thắc mắc về việc phân loại và áp mã HS đối với hàng nhập khẩu cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp bức xúc khi có cách áp dụng khác nhau giữa mã của cơ quan Hải quan với mã của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn về hạt giống cây trồng nhập khẩu.

Tiếng nói của Luật sư

Luật sư N.A.V (Hà Nội) cho biết: "Cái không ổn của Nghị định này không quy định rõ là khi nào thì cơ quan thuế được quyền yêu cầu và mức độ tiết lộ đến đâu... Điều này dẫn tới việc cơ quan thuế lạm dụng và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản của toàn bộ khách hàng. Việc này có thể dẫn đến hậu quả là xâm phạm bí mật đời tư. Bởi thông tin giao dịch nó phản ánh cả sở thích, khuynh hướng và tình cảm cá nhân, mối quan hệ đời tư của người có thông tin bị tiết lộ (cả người nhận tiền lẫn người chuyển tiền). Nếu những thông tin này bị tiết lộ có thể làm xấu hổ hoặc tổn thương người có thông tin bị tiết lộ."

Luật sư cũng trích Điều 38 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ" và điều luật này không có ngoại lệ kiểu như trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngành Thuế, Bộ Tài chính trả lời

Trả lời câu hỏi về cung cấp dữ liệu tài khoản khách hàng mà đại diện Vietcombank đặt ra, theo ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Luật quản lý thuế quy định trách nhiệm của ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin dữ liệu tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Thực hiện quy định này, cơ quan thuế sẽ yêu cầu cung cấp tài khoản đối với vụ việc, đối tượng cụ thể theo trình tự. Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng ban hành quy chế, quy trình cung cấp dữ liệu tài khoản thanh toán của khách hàng.

"Cơ quan thuế không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả các khách hàng. Việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. Không qua ngân hàng làm sao cơ quan thuế nắm được thu nhập của cá nhân nhận được từ Facebook, YouTube... là bao nhiêu để yêu cầu người nộp thuế kê khai và nộp thuế đầy đủ", ông Minh nói.

Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, quy định này chưa áp dụng trong năm quyết toán 2020. Tới đây, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn và báo cáo cấp có thẩm quyền cho áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 trở đi.

Trả lời nội dung áp mã HS đối với hàng nhập khẩu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành xin tiếp thu và hứa sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát để có mã thống nhất chứ không thể có chuyện một mặt hàng có hai mã.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cảm ơn phản ánh của doanh nghiệp. Cũng tại hội nghị, bà Mai giao Tổng cục Hải quan sớm làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Không để vướng mắc mãi của doanh nghiệp mà vẫn không giải quyết được", bà Mai nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, góc độ nghiệp vụ, mỗi ngành đều chịu quản lý của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, trong luật ban hành quy phạm pháp luật có quy định trong trường hợp có sự “vênh” nhau giữa các văn bản cấp địa phương, trung ương, giữa văn bản nghị định, thông tư với luật thì phải áp dụng theo văn bản có giá trị cao nhất.

Trong trường hợp kể trên, Nghị định 126 mang tính hướng dẫn và “vênh” nhau với Luật các tổ chức tín dụng. Như vậy, các ngân hàng phải tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng trước. Nếu cơ quan thuế muốn ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng thì buộc phải sửa luật.

Trang Nhung