Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030. Đề án trên đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa từ trái cây trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 80-100 triệu USD vào năm 2030. Được biết, việc xây dựng Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2030 là cần thiết, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX. Đồng thời, phát triển ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030.
UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2030
Trong dự thảo Đề án, Sở NN&PTNT Nghệ An đề xuất 3 nhóm cây ăn quả, cụ thể: Thứ nhất, nhóm cây ăn quả chủ lực, gồm: Cây ăn quả có múi như cam, quýt, chanh, bưởi; cây ăn quả phát triển mở rộng gắn với công nghiệp chế biến như cây dứa, cây chuối. Thứ hai, nhóm cây ăn quả có triển vọng cho năng suất cao, hiệu quả như mít, ổi, na, xoài, mận Tam Hoa. Thứ ba, nhóm cây ăn quả cơ bản ổn định diện tích, tăng cường các hoạt động về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, có thể định hướng để phát triển mở rộng trong tương lai là các loại cây ăn quả còn lại như táo, chanh leo, bơ, thanh long, nhãn, vải, hồng...
Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An trình bày dự thảo Đề án tại cuộc họp
Đề án xác định mục tiêu: Đến năm 2025, diện tích cây ăn quả đạt 30.000ha. Đến năm 2030 đạt diện tích 50.000ha. Sản lượng năm 2025 đạt khoảng 425.395 tấn và đến năm 2030 đạt khoảng 789.160 tấn. Giá trị sản xuất cây ăn quả đến 2025 đạt 4.000-5.000 tỷ đồng và đến 2030 đạt 9.000-10.000 tỷ đồng. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 12-13%/năm. Giá trị sản xuất trên 01 ha cây ăn quả năm 2025 đạt 120-150 triệu đồng và đến năm 2030 đạt 150-200 triệu đồng. Áp dụng quy trình, tiêu chuẩn chất lượng đạt trên 300 triệu đồng/ha. Thu hút đầu tư 06 cơ sở chế biến quy mô 300.000-350.000 tấn/năm. Tổng công suất đến 2030 đạt 400.000-450.000 tấn/năm (chiếm 50-55% sản lượng quả). Hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa từ trái cây để xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 80-100 triệu USD vào năm 2030. Giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 50.000 lao động nông thôn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở KH&ĐT, Công thương, Tài chính, TN&MT, Hội Nông dân tỉnh... đều khẳng định đây là các nội dung quan trọng, cần thiết. Về phát triển cây ăn quả, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các nhà máy trong chế biến sản phẩm hàng hóa từ trái cây. Đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn các nhóm cây ăn quả chủ lực. Xây dựng diện tích, sản lượng phù hợp, đặc biệt là nhóm cây ăn quả có triển vọng cho năng suất cao, hiệu quả...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu chỉ đạo "làm rõ thêm tính cấp thiết xây dựng Đề án như yêu cầu thị trường, xu thế hội nhập.."
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, phát biểu kết luận, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Đề nghị Sở NN&PTNT xây dựng nội dung dự thảo đảm bảo mục tiêu, yêu cầu thực tiễn, đúng định hướng phát triển và sau khi ban hành, đưa vào triển khai đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, làm rõ thêm tính cấp thiết xây dựng Đề án như yêu cầu thị trường, xu thế hội nhập.. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT cần nghiên cứu các giải pháp sâu hơn, kỹ hơn về giống cây trồng chất lượng cao. Đánh giá, xây dựng danh mục cây ăn quả VietGap. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc đổi mới, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả nhằm góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, hướng tới sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn. Xét trên tổng thể, cơ bản thống nhất với 3 nhóm cây ăn quả đã nêu trong dự thảo Đề án.
Văn Cương – Hoàng Lan