Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổng kế công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021

17:50 27/02/2021

Ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất đạt và vượt kế hoạch đề ra năm 2020.

Mặc dù đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản phát sinh gây hại…tuy nhiên được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành và quyết tâm của người dân. Ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất đạt và vượt kế hoạch đề ra năm 2020.

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 (Theo giá so sánh năm 2010) đạt 9.216,3 tỷ đồng, tăng 3,12% so với 2019; trong đó: Nông nghiệp 7.305,9 tỷ đồng, tăng 2,06% so với năm 2019; Lâm nghiệp 67,9 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2019; Thủy sản 1.897,1 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2019; Sản lượng lương thực có hạt đạt 462,2 nghìn tấn, giảm gần 8,7 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó sản lượng thóc đạt 442,7 nghìn tấn, giảm 8 nghìn tấn so cùng 2019. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác (đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản) đạt trên 135 triệu đồng, vượt mục tiêu GĐ 2016-2020 là 5 triệu đồng; 

tỉnh Ninh Bình chủ yếu tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, chất lượng, hiệu quả. Ảnh: Internet
Tỉnh Ninh Bình chủ yếu tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, chất lượng, hiệu quả. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn đạt 95,5%, hoàn thành kế hoạch; Xây dựng nông thôn mới: trong năm huyện Gia Viễn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 07 xã đạt chuẩn NTM; 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 70 thôn, khu dân cư đạt kiểu mẫu. Đến hết năm 2020 có tổng số 106/116 xã đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 91,4%.

Năm 2021 tỉnh Ninh Bình chủ yếu tập trung phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao gắn với lợi thế vùng; thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, xóa đói giảm nghèo; tiếp tục phát huy hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích, thu hút các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tập trung các giải pháp thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho nông sản Ninh Bình; ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. 

Phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh: Internet
Phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh: Internet.

Mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2021 (theo giá so sánh 2020) đạt từ 1,7%; Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt từ 140 triệu đồng/ha canh tác; Xây dựng nông thôn mới: Huyện Yên Mô đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã (huyện Kim Sơn, Nho Quan, TP Ninh Bình) đạt chuẩn nông thôn mới; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả.

Phát triển công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng nông sản từ đó nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng phế phụ phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực hiện hiệu quả các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm khu vực nông thôn; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, thực chất Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2021 trong đó tập trung hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo và thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP.

Lê Mai