Ngành du lịch chịu thiệt hại hàng tỷ USD: Giải pháp vượt qua khó khăn khi kích cầu thất bại

00:00 12/10/2020

Tháng 02/2020, trong nỗ lực “tự giải cứu”, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã công bố Chương trình kích cầu du lịch và thành lập Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam. Nhưng trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, chương trình kích cầu này hiện cũng không thể duy trì. Ngành Du lịch Việt Nam đang thực sự đối mặt với khó khăn chưa từng có, giữa lúc các doanh nghiệp lữ hành ngóng chờ các giải pháp “cấp cứu”.

Kích cầu du lịch bất thành

Thiệt hại lớn xảy ra với ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp lữ hành nói riêng là điều đã được dự báo từ trước. Bởi tính chất hoạt động đặc thù của ngành Du lịch, đại dịch COVID-19 kéo dài đã tác động ngay lập tức đến lượng khách (cả nội địa và quốc tế sụt giảm), hàng loạt dịch vụ như vận chuyển, nhà hàng, lưu trú... bị tác động nặng nề. Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ (Tháng 02/2020) tại Hà Nội, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết: “Ước tính thiệt hại cho ngành Du lịch đã lên đến 7 tỷ USD”.

 

Các công ty lữ hành phải cắn răng chấp nhận khó khăn

Một điều phải khẳng định, đó là ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đã hết sức nỗ lực giảm thiểu thiệt hại. Cùng tháng 02/2020, trong một nỗ lực giải cứu ngành du lịch, một chương trình kích cầu quy mô lớn đã được công bố. Tham gia chương trình bên cạnh các doanh nghiệp lữ hành còn có sự hiện diện của Vietnam Airlines, Bamboo Airway... với hàng loạt chính sách giảm giá vận chuyển.  Nhiều combo vé máy bay + phòng khách sạn thậm chí giảm đến 70-80% giá so với bình thường. Bên cạnh đó, khách hàng tham gia du lịch kích cầu còn được trải nghiệm nhiều dịch vụ hấp dẫn tại các điểm đến trên mọi miền đất nước.

Gói kích cầu được thực hiện với sự đồng lòng của các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội Du lịch đã mang đến hiệu quả tức thì. Trong tháng 02/2020, dù doanh số sụt giảm, các doanh nghiệp lữ hành vẫn có thể duy trì hoạt động, có doanh thu. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, dai dẳng của đại dịch COVID-19 lại là điều không ai có thể lường trước. 

Với số ca bệnh tăng lên nhanh tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, trong tháng 03/2020, chương trình kích cầu Du lịch đã buộc phải dừng lại. Từ ngày 13/03, tỉnh Bình Định ngừng đón đến Cù Lao Xanh; Phú Yên không đón khách tới gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng; Gia Lai dừng hoạt động tham quan thủy điện Ialy... Quảng Bình cũng vừa công bố đóng cửa hang động từ ngày 17/3 đến 31/5/2020. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đã dừng các hoạt động vui chơi, giải trí. Nhiều địa phương cũng lần lượt đóng cửa các khu vui chơi, điểm đến như Quảng Ninh (Hạ Long, Cát Bà, Yên Tử...), Ninh Bình (Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương), Hà Nội (Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám), Thanh Hóa, Quảng Nam (Hội An, Cù Lao Chàm), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu (Côn Đảo), Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang... Ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam – thừa nhận: Chương trình kích cầu du lịch đã phải dừng lại. Những du khách mua tour kích cầu nhưng chưa khởi hành sẽ được hỗ trợ tối đa.

Doanh nghiệp lữ hành đang “nguy kịch”

Đó là thực trạng mà dù không muốn, chúng ta phải chấp nhận và nhìn thẳng vấn đề để tìm kiếm giải pháp. Liên tiếp trong những ngày qua, xuất hiện thông tin không vui về hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành. Tại nhiều công ty lớn, có thương hiệu và quy mô hàng trăm nhân sự, tình trạng buộc phải cho lao động làm việc luân phiên, cắt giảm nhân sự, lương và thậm chí đóng cửa doanh nghiệp đã xảy ra. 

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá: “Trong 1, 2 tháng tới sẽ thiệt hại hơn nữa, khi Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều đang bùng phát dịch. Các doanh nghiệp cũng xác định khó khăn lâu dài nên sẽ không nói trước được điều gì về kích cầu hay thu hút khách bởi tâm lý bệnh dịch. Bản thân các doanh nghiệp sẽ dành thời gian để tái cơ cấu doanh nghiệp, hoàn thiện doanh nghiệp, đào tạo nhân sự để khi hết dịch sẽ tiếp tục triển khai…”.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng

Chờ đợi là giải pháp duy nhất được các doanh nghiệp lữ hành có tiềm lực áp dụng vào lúc này. Trong lúc đó, doanh nghiệp chỉ có thể tự cấu trúc bằng cách cắt giảm chi phí, giảm nhân sự và thậm chí tạm dừng hoạt động. Câu chuyện tại TransViet, một doanh nghiệp lữ hành có tiếng, những ngày qua là một ví dụ.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm hoạt động, giám đốc TransViet đã phải viết tâm thư gửi tới cán bộ, công nhân viên. Trong đó, thừa nhận việc hàng chục nhân sự sẽ phải tạm nghỉ việc về quê. Một số lượng lớn nhân sự TransViet được điều chuyển, hoạt động cầm chừng. Một bộ phận quản lý của công ty chỉ duy trì hoạt động với mức lương tối thiểu. Vậy nhưng, hoàn cảnh của TransViet vẫn tốt hơn khá nhiều công ty lữ hành khác. Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan – Giám đốc Indochina Travel – thừa nhận: “Chúng tôi phải đóng cửa công ty, khi hầu hết nguồn khách quốc tế và nội địa phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chưa biết khi nào dịch COVID-19 kết thúc nên tôi cũng xác định, sẽ rất khó để gọi trở lại các nhân viên và công ty có thể phải làm lại từ con số 0”.

Thiết thực giải “bài toán khó”

Thời điểm này, việc giảm giá, kích cầu đều không khả thi với các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và ngành Du lịch nói chung. Thị trường Du lịch chắc chắn sẽ cần một cú hích rất lớn, nhưng đó là khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Tuy thế ở thời điểm này, không có nghĩa ngành Du lịch “đầu hàng” trước “bài toán khó” mà dịch bệnh mang lại.

Chia sẻ cùng PV, chị Nguyễn Hồng Nhung (GĐ Công ty Silk Road Travel) cho rằng: “Tác động của đại dịch COVID-19 không xảy ra ở tất cả các điểm. Do đó, trong bối cảnh khó khăn chung, công ty vẫn phải tính toán các điểm đến mới, những vùng hiện chưa có dịch hoặc có dịch nhưng đã khống chế và kiểm soát được, để lên phương án làm sản phẩm. Trong thời điểm này, tôi nghĩ tâm lý chung của khách hàng là an toàn sức khỏe hàng đầu. Do đó, điểm đến an toàn, giá cả hợp lý có thể vẫn sẽ thu hút được khách hàng và giúp công ty vượt qua khó khăn”.

Trong khi đó, đồng hành cùng doanh nghiệp, Tổng cục du lịch đã trình Bộ Văn hoá và Thể thao Du lịch xin ý kiến Thủ tướng, đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh. Theo đó, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp trong quý I, II,III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch, giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh du lịch cá thể và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV năm 2020 và quý I năm 2021; giảm chi phí về môi trường.

Cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021. Bên cạnh đó, giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp du lịch được phục hồi.

Đại diện Saigontourist – một công ty lữ hành lớn cũng khẳng định: Đối mặt khó khăn chung, Saigontourist tích cực cập nhật thông tin dịch bệnh tại Việt Nam cho đối tác và du khách quốc tế đang thực hiện tour ở Việt Nam để du khách yên tâm. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện các biện pháp và hướng dẫn đảm bảo an toàn cho du khách. “Đối với du khách Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh được khống chế và có diễn tiến khả quan hơn, lữ hành Saigontourist sẽ triển khai nhiều sản phẩm kích cầu trong và ngoài nước với chính sách giá cả ưu đãi, hấp dẫn cũng như áp dụng các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm, đa dạng hóa các chương trình tham quan”, đại diện Saigontourist nhấn mạnh.

Nguyễn Ngân