Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ đối mặt với sự thiếu hụt lao động

12:01 26/07/2023

Đến 2030, ngành công nghiệp này cần đến 460.000 lao động. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hiện nay, Mỹ sẽ không đủ lao động để lấp đầy nhu cầu của thị trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Reuters dẫn nghiên cứu công bố hôm 25/7 của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và Oxford Economics, cho thấy ngành bán dẫn của Mỹ sẽ thiếu khoảng 67.000 lao động vào năm 2030.

Trong năm nay, lực lượng lao động tham gia lĩnh vực chip của Mỹ là 345.000 người. Đến 2030, với tốc độ phát triển của thị trường, ngành công nghiệp này cần đến 460.000 lao động. Tuy nhiên, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hiện nay, Mỹ sẽ không đủ lao động để lấp đầy nhu cầu của thị trường.

Nghiên cứu được đưa ra khi Mỹ đang nỗ lực củng cố lĩnh vực chip nội địa. Đạo luật CHIPS, dành tiền cho các nhà máy sản xuất chip mới cũng như nghiên cứu và phát triển chip, đã được ký thành luật vào ngày 9.8.2022.

Bộ Thương mại Mỹ đang giám sát khoản trợ cấp sản xuất chip trị giá 39 tỉ USD theo quy định trong Đạo luật CHIPS và các công ty như Intel, Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới), TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới) cho biết sẽ nộp đơn xin trợ cấp.

Đạo luật CHIPS cũng tạo ra khoản giảm thuế đầu tư 25% để xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới, có giá trị lên đến 24 tỉ USD.

SIA cho biết, những nhà máy đó sẽ tạo ra việc làm. Sự thiếu hụt lao động trong ngành chip của Mỹ dự kiến gồm các nhà khoa học máy tính, kỹ sư và kỹ thuật viên. Khoảng một nửa số công việc ở ngành công nghiệp chip của Mỹ trong tương lai sẽ là kỹ sư.

Chủ tịch SIA, John Neuffer, cho biết: “Đây là một vấn đề mà chúng tôi đã phải đối mặt trong một thời gian dài. Nhưng với Đạo luật CHIPS nói riêng và định hướng sản xuất nhiều hơn trên đất Mỹ, nó thực sự đã khiến vấn đề cấp bách này trở nên được chú ý nhiều hơn”.

Theo báo cáo, sự thiếu hụt công nhân chip có tay nghề cao là một phần của sự thiếu hụt lớn hơn trong bối cảnh các sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Mỹ ngày một nhiều. Đến cuối năm 2023, 1,4 triệu vị trí có thể không được tuyển dụng.

Thiếu hụt nhân tài ngành chip là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, từng nhận định, nhân sự là một trong những thách thức lớn nhất trong tham vọng tự chủ chip của mỗi quốc gia. “Ngành chip yêu cầu độ phức tạp cao và năng lực kỹ thuật, công nghệ để giải quyết những vấn đề mới. Để thiết kế chip của riêng mình, các kỹ sư cần nhiều kỹ năng R&D”, ông nói. Theo ông, đầu tư vào nhân lực cần thời gian, tốn kém nhưng về lâu dài chắc chắn là khoản sinh lời.

Tú Anh (t/h)