Ngân hàng siết tín dụng, bất động sản có gặp khó khăn?

15:22 05/07/2022

Sau khi xảy ra một số dự án đấu giá, huy động tín dụng bất động sản làm xáo trộn thị trường, ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo siết chặt kiểm soát tín dụng trong ngành để hạn chế tình trạng đầu cơ làm giá đất tăng cao, ưu tiên phục vụ nhu cầu mua nhà để ở chính đáng của người dân. Việc siết chặt tín dụng bước đầu đã làm giảm sức mua nhà, làm nguội bớt thị trường bất động sản đã nóng trong giai đoạn đại dịch.

Bất động sản trên bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức đã từng được Tân Hoàng Minh đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 sau đó bỏ cọc (Ảnh: Quỳnh Trần)
Bất động sản trên bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức đã từng được Tân Hoàng Minh đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 sau đó bỏ cọc (Ảnh: Quỳnh Trần).

Từ tháng 4, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thận trọng cấp tín dụng tại các địa bàn đang có sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; rà soát lại các khoản vay và hạn chế room cho bất động sản. Việc định giá tài sản đảm bảo là bất động sản, nhất ở nơi có hiện tượng sốt đất để phản ánh đúng giá trị thực, minh bạch, khách quan. Chỉ trong vòng 3 tháng siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp và dự án bất động sản, nhiều doanh nghiệp bước vào giai đoạn thiếu vốn, khó bán hàng sơ cấp. Thanh khoản nhà đất trên thị trường thứ cấp-nơi các nhà đầu tư giao dịch nhà cũng trầm lắng, dòng tiền trên thị trường địa ốc yếu dần, các dòng vốn đầu tư tài sản cũng có dấu hiệu đề phòng, khẩu vị rủi ro giảm đi. Nhiều chuyên gia dự báo nếu việc siết tín dụng kéo dài thêm, thị trường nhà đất có thể xuất hiện các đợt giảm giá mạnh trên thị trường thứ cấp, đến cuối năm kịch bản khắc nghiệt sẽ đến gần, thị trường có thể rơi vào khủng hoảng khi làn sóng tăng lãi suất để chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu tác động đến toàn nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết: "Thời gian qua, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ". Ông Tú cũng giải thích quan điểm của ngân hàng Nhà nước là kiểm soát tín dụng ngân hàng để vốn phải phục vụ cho hoạt động sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên để khôi phục nền kinh tế, nền kinh tế phát triển ổn định thì thị trường phát triển ổn định. Bong bóng bất động sản sẽ rất nguy hiểm nếu không được kiểm soát hợp lý, như năm 2008 đã tạo ra khủng hoảng toàn cầu. Dù siết chặt tín dụng bất động sản, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tiếp tục cho người dân vay tiền để sửa nhà cũng như mua nhà cho mục đích sử dụng, dù khó xác định mục đích sử dụng hay đầu cơ.

Việc phụ thuộc vốn tín dụng rẻ của người tham gia thị trường bất động sản đã diễn ra trong một thời gian dài kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị giới hạn, hai năm vừa qua có thể nói là giai đoạn phát triển mạnh của lĩnh vực bất động sản dù tắc nghẽn nguồn cung do vấn đề pháp lý dẫn đến giá tăng cao. Năm 2022, khi lạm phát tăng cao, ngân hàng siết chặt vốn tín dụng cộng thêm cánh cửa phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng hẹp dần, thị trường bất động sản đứng trước nhiều áp lực giảm tăng trưởng. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, ngay ở thị trường có nhiều điểm tương đồng là Trung Quốc cũng đang phải xử lý cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản, với giá nhà và doanh số bán nhà giảm đến gần 50% trong những tháng gần đây.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng; đảm bảo quyền tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có “quyền” được công nhận chủ đầu tư sau khi doanh nghiệp đã “có quyền sử dụng đất khác không phải đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở để thị trường bất động sản có thể phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Dũng