Trong hai tuần qua, hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản từ hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đã từ bỏ các công ty liên doanh, nhà máy, cửa hàng và văn phòng đến từ Nga. Hành động này được đưa ra nhằm đáp trả kế hoạch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực tài chính tại Nga, bao gồm cả ngân hàng trung ương của nước này, khiến tiền tệ của Nga bị xáo trộn và có khả năng gây ra tình trạng vỡ nợ và suy thoái sâu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết nền kinh tế Nga sẽ bị "tàn phá" do hậu quả của các lệnh trừng phạt hiện có từ phương Tây, "nhưng chúng tôi ... sẽ xem xét có thể thực hiện điều gì tiếp theo".
Tại cuộc họp ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Điện Kremlin có thể tìm kiếm những phương thức khả thi về pháp lý để tịch thu tài sản các công ty nước ngoài dừng hoạt động tại Nga.
"Chúng ta cần hành động quyết đoán đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất của họ (tại Nga)", đề nghị "chuyển giao các doanh nghiệp này cho những người thực sự muốn làm việc". "Nga có đủ công cụ pháp lý và thị trường cho việc đó", ông Putin nói.
Ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhấn mạnh "tịch thu tài sản nước ngoài và khả năng quốc hữu hóa chúng" là một trong những biện pháp đối phó trừng phạt mà Moscow đang sử dụng.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga cũng cho biết, họ đã lập một danh sách các công ty quyết định rời khỏi nước này và có thể bị tịch thu tài sản.
Trước đó, trong nỗ lực gây sức ép trở lại phương Tây thông qua trừng phạt kinh tế, chính phủ Nga thông báo kế hoạch cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có gỗ, thiết bị điện tử, viễn thông...
Ngoài ra, Moscow còn thông qua luật nhằm sung công máy bay mà các hãng hàng không Nga thuê của đối tác phương Tây. Số máy bay này ước tính trị giá 10 tỉ USD.
NĐ (t/h)