Đó là nội dung ông Trần Quốc Phương- Thứ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 sáng 6/12.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế.
Qua đó, đã mở ra những thời cơ, cơ hội thuận lợi mới, để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ được sự dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng, các xu thế phát triển lớn toàn cầu về kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tài chính xanh…Các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng và điều hành vĩ mô của nước ta.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Sản xuất công nghiệp tháng sau tích cực hơn tháng trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn.
Cũng theo ông Phương, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung giải quyết; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, khó khăn vẫn còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh; tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...
Các tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn đưa ra nhiều dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới, các nước lớn trong quý IV/2023 và năm 2024, cho thấy tình hình thế giới, khu vực thời gian tới dự báo có chuyển biến, nhưng tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu "tác động kép" từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.
"Nhìn chung, bối cảnh, tình hình thời gian tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội", ông Phương nhận định.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT tham mưu, kiến nghị với Chính phủ tổ chức triển khai nhanh, hiệu quả các Luật, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024...đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực.
T.H