Nâng cao năng lực của doanh nghiệp để hấp thụ thành quả của khoa học công nghệ

08:30 20/12/2020

Đặt vị thế là một nước đi sau, Việt Nam có thể tiếp thu thành quả của khoa học công nghệ, nhất là nền tảng khoa học công nghệ 4.0. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải được thực hiện một cách hợp lý phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Khoa học công nghệ đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế 

Hiện nay, trong điều kiện tài nguyên cạn kiệt và các điều kiện khác đã đến giới hạn thì khoa học và công nghệ có thể coi là một trong những động lực quan trọng nhất đưa đất nước phát triển.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trong “Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020” đã cho biết: "Qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Khi bước vào đổi mới, năm 1989, GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 268,4 tỷ USD, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người là 159 USD thì năm 2020 ước đạt 2.750 USD. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của ngành khoa học công nghệ"

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trong “Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020”
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng trong “Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020”.

Ts.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng: "Chính sách phát triển công nghệ là nội dung quan trọng có quan hệ gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế đất nước, với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua Việt Nam luôn quan tâm đề cao các chủ chương chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, khoa học công nghệ đang từng bước đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học của đất nước".

Ts.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME phát biểu tại diễn đàn
Ts.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME phát biểu tại diễn đàn.

Trong thời gian qua, với vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, góp phần phát huy hiệu quả của dòng vốn FDI thông qua tăng cường quản lý, định hướng, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tiêu biểu là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng: Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như EVFTA, RCEP… với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ… Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.

"Điểm yếu" trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Bên cạnh những kết quả khoa học công nghệ đã đạt được, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo TS.Tô Hoài Nam, những hạn chế, bất cập đó được thể hiện ở một số phương diện chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất, dịch vụ dựa vào khoa học công nghệ vẫn còn thiếu tính bền vững, khoa học công nghệ vẫn chưa tạo ra được động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế.

Thứ hai, một số ngành, lĩnh vực chủ lực mặc dù được ưu tiên, hỗ trợ để mở rộng quy mô, phát triển công nghệ nhưng sản phẩm vẫn có hàm lượng chế biến và hàm lượng công nghệ thấp.

Thứ ba, tốc độ đổi mới công nghệ thấp, hầu hết các doanh nghiệp chưa chú trọng các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất công nghiệp dưới trung bình chiếm tỷ trọng cao, tụt hậu so với mức trung bình của thế giới. Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI là rất thấp. 

Thứ tư, nguồn lao động trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp chất lượng còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Cuối cùng, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho doanh nghiệp còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, chưa thực sự coi khoa học công nghệ là động lực tăng trưởng quan trọng cho phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.   

Tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo 2020, nhiều ý kiến cũng nêu ra một số điểm yếu khác đang tồn tại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc thiếu hụt các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hỗ trợ về sở hữu trí tuệ và tìm kiếm thị trường mua bán công nghệ, hoặc cơ chế nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn theo tư duy tránh “rủi ro”.

Thúc đẩy các ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Do vậy, doanh nghiệp vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Để làm được điều đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất, chất lượng là vô cùng quan trọng

ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất, chất lượng là vô cùng quan trọng
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất, nâng cao chất lượng.

Chính vì vậy, tại diễn đàn, TS Tô Hoài Nam đã nêu ý kiến về việc đơn vị quản lý giữ các đề tài khoa học là "rất lãng phí, khoa học công nghệ nếu để trong kho thì chỉ một vài năm sau không còn giá trị nữa".

"Nếu là một quy trình hành chính thì tôi nghĩ nên bỏ quy trình này đi. Nếu đó là tài sản quốc gia thì doanh nhân cũng có quyền tiếp cận các đề tài nghiên cứu này", TS Nam kiến nghị, có hai cách để mở kho khoa học công nghệ tuỳ vào tính chất của các đề tài. Thứ nhất có thể hỗ trợ cho không, hai là hình thức cạnh tranh qua đấu thầu.

Đồng tình quan điểm cần thúc đẩy nhanh các ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đặt vị thế ở nước đi sau nên cách khôn ngoan nhất là tiếp thu thành quả của khoa học công nghệ, nhất là nền tảng khoa học công nghệ 4.0.

"Việc tiếp thu phải được thực hiện một cách hợp lý phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp", ông Tùng nói và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình để hấp thụ các công nghệ của thế giới.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang dần được hình thành và phát triển. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có chuyển biến tích cực, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có tiềm năng lớn nếu được đào tạo tốt. "Để nắm bắt được các cơ hội này, ngành khoa học và công nghệ nước ta cần phải nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, sẵn sàng tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tâm thế chủ động và tích cực", TS. Phạm Văn Tân chia sẻ.

Đón nhận các kiến nghị và khúc mắc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh: “Doanh nghiệp hiện nay được Bộ KH&CN coi là trung tâm trong các hoạt động của mình. Chúng tôi khẳng định các cơ quan của Bộ KH&CN liên quan đến việc phát triển công nghệ, ứng dụng đổi mới sáng tạo luôn sẵn sàng đồng hành cùng với doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp nhận và tôn trọng mọi ý tưởng sáng tạo, và mong muốn hỗ trợ cho các ý tưởng và sáng tạo đó, giúp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”
Thứ trưởng cũng chia sẻ quan điểm, hỗ trợ của Bộ KH&CN không thay thế được nỗ lực của bản thân doanh nghiệp. “Tôi chia sẻ quan điểm doanh nghiệp là chủ thể của sự thay đổi. Cùng với sự hỗ trợ, các doanh nghiệp cũng phải tìm cách nâng cao năng lực của mình để hấp thụ công nghệ mới trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng. Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ và chia sẻ từ phía doanh nghiệp trong các hoạt động khoa học và công nghệ”

5 kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tại Diễn đàn:

1. Đề nghị Bộ Khoa học công nghệ kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhanh chóng xem xét việc “mở kho” khoa học công nghệ nơi lưu giữ nhiều công trình nghiên cứu rất quý, đang có sẵn của các nhà khoa học Việt Nam qua nhiều thế hệ, để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác sử dụng.

2. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực chỉ đạo các đơn vị bên trong của bộ về việc thúc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo tinh thần của Nghị quyết số: 68/NQ-CP ngày 12/05/2020 của Chính phủ để doanh nghiệp có chỗ dựa tin cậy khi tiếp cận với các hoạt động hành chính, các dịch vụ công trong chức năng quản lý của Bộ.

3. Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyền truyền về các chương trình dự án hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng quản lý của Bộ.

4. Triển khai, thực thi nhanh chóng Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Để thúc dấy, hình thành thói quen sử dụng công nghệ để giải quyết dịch vụ công trên môi trường điện tử. Qua đó tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

5. Về chính sách khoa học công nghệ:

(i). Cần xác lập mục tiêu gia tăng nhanh năng lực công nghệ, tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm, dịch vụ với sự tập trung mạnh mẽ cho năng lực R&D, năng lực cải tiến, ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(ii). Tập trung phát triển, hình thành  thị trường khoa học công nghệ với các chủ thể cung ứng đa dạng và cạnh tranh.

(iii). Nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để các quy định, chế tài đảm bảo được tính minh bạch, độ tin cậy, hiệu lực. Đồng thời qua đó cũng gia tăng được hiệu quả quản lý nhà nước.

(iv). Khuyến khích và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn chi nhà nước cho khoa học công nghệ thông qua việc thúc đẩy áp dụng cơ chế cạnh tranh trong tuyển chọn dự án nghiên cứu của nhà nước.

(v). Phân định rõ trách nhiệm, vai trò dẫn dắt của Bộ Khoa học công nghệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong các chương trình, giáo trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn và chuyên biệt.

Bảo Bảo