Năm 1988, tướng Hà Vi Tùng đã đặt mục tiêu phát triển kinh tế biển lên bàn chiến lược về chủ quyền biển đảo

20:05 30/04/2023

Nhãn quan của tướng Hà Vi Tùng không chỉ ở tầm vóc của một người chỉ huy quân sự, mà hơn thế, còn ở tầm chiến lược của một chính khách trong màu áo nhà binh.

Ảnh minh họa
 Tướng Hà Vi Tùng đang trình bày ý kiến về phát triển kinh tế biển kết hợp quốc phòng tại Trường Sa

Vào thời điểm kỷ niệm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa ( 29/4/1975 – 29/4/2023) , khi tìm tư liệu viết một cái gì đó nảy ra từ những chuyến ra quần đảo Trường Sa, sực nhớ mấy năm trước đây, trong vai trò chủ biên cuốn sách “Tướng Hà Vi Tùng – một người lính Nam tiến”,  khi tập hợp những bài viết, bài phát biểu triết luận về quân sự, chính trị, kinh tế quốc phòng của ông trong suốt cuộc đời binh nghiệp - từ anh lính Nam tiến, đánh Pháp, đuổi Mỹ, trưởng thành từ người lính đến hàm tướng, cho thấy nhãn quan của ông không chỉ ở tầm vóc của một người chỉ huy quân sự, mà hơn thế, còn ở tầm chiến lược của một chính khách trong màu áo nhà binh. Một trong những bài viết đó là bài tham luận ông tự viết tay và phát biểu tại  cuộc hội thảo về Trường Sa , được  tổ chức cuối năm 1988 ở Nha Trang, với mệnh đề về phát triển kinh tế biển, kết hợp mục tiêu quốc phòng trên biển, gồm những quan điểm, đường hướng mạch lạc, từ mục tiêu đến giải pháp cụ thể của chuyên đề chủ quyền biển đảo,  mà cái lõi của mệnh đề cho đến nay vẫn nguyên giá trị .

Nhân kỷ niệm 48 năm giải phóng quần đảo Trường Sa ( 29/4/1975 – 29/4/2023) và kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước  (30/4/1975 – 30/4/2023), xin được dẫn lại nguyên bài viết của ông tại hội thảo năm đó mà tôi được trực tiếp chứng kiến, ghi hình, cùng với những thông tin cập nhật mới đây liên quan đến những nội dung mà ông từng đặt lên bàn luận về chiến lược phát triển kinh tế biển với hệ thống quốc phòng  bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ảnh minh họa
Bản viết tay ý kiến về phát triển kinh tế biển kết hợp quốc phòng tại Trường Sa của tướng Hà Vi Tùng

MẤY  SUY NGHĨ VỀ KINH TẾ KẾT HỢP QUỐC PHÒNG Ở TRƯỜNG SA

                                     Cố thiếu tướng HÀ VI TÙNG

Do thời gian có hạn và thiếu tài liệu nghiên cứu nên tôi chỉ giới hạn những suy nghĩ về đề tài nêu ở trên.

1/ Tuy ở gần ta so với các nước khác có liên quan, nhưng tôi quan niệm vùng đặc quyền kinh tế này của ta là một vùng đại dương (khác với vùng ven biển nước ta). Do vậy khai thác và bảo vệ vùng đảo này về thực chất là những hoạt động ở đại dương.

2/ Do vậy các hoạt động khai thác bảo vệ vùng biển này từ mặt nước đến đáy biển đều phải là cơ sở vật chất có khả năng hoạt động ở đại dương. Yêu cầu gồm có :

a/ Những căn cứ có thể xây dựng ở Trường Sa lớn, Song Tử, Sơn Ca ở đây có cầu cảng, chỗ neo tàu khi gió bão, có trạm tiếp dầu, trạm tiếp nước ngọt (có thể có trạm chế biến nước mặn thành nước ngọt), trạm cấp cứu.

b/ Có trạm liên lạc thông tin, có thể liên lạc thường xuyên với các phương tiện đánh cá, trạm năng lượng v.v….

c/ Hạm đội đánh cá: gồm có các tàu, tàu này là nhà máy (thực chất), chế biến hải sản đánh bắt được do các tàu nhỏ đi đánh cá cung cấp. Các tàu nhỏ hơn làm các nhiệm vụ thăm dò luồng cá, kỹ thuật và tiến hành đánh bắt.

d/ Tàu khảo sát: nhiệm vụ khảo sát các nguồn lợi thủy sản từ mặt nước đến đáy biển. Để thực hiện được nhiệm vụ khoa học này, cần được có trang bị thiết bị kỹ thuật hiện đại hay tương đối hiện đại được các nhà khoa học điều hành. Tùy theo khả năng mà quy định phạm vi và đối tượng khảo sát.

3/ Là một nước ven biển có chiều dài đáng kể, lại là vùng (Trường Sa) có nhiều tiềm năng và đa dạng, đang bị một nước lớn, có tham vọng lớn làm chủ, chúng ta không thể chần chừ, chậm chân, đầu tư nhỏ giọt. Cần có một kế hoạch chiến lược lâu dài để làm chủ vùng đặc quyền kinh tế này. Yêu cầu đó từ nay đến đầu thế kỷ thứ XXI cần phải có những cơ sở cần thiết để sang thế kỷ thứ XXI ta có thể làm chủ vùng Trường Sa với đầy đủ ý nghĩa của nó về kinh tế và quốc phòng.

Đề nghị Trung ương (Chính phủ) lập một ban nghiên cứu chuyên về Trường Sa gồm các đồng chí có trách nhiệm thuộc các Bộ Thủy sản, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Lệnh Hải quân và lãnh đạo Tỉnh – Trụ sở đặt tại Nha Trang để nghiên cứu vấn đề này.

Cho các chuyên viên đi nghiên cứu vấn đề khai thác kinh tế  biển ở các nước có thế mạnh như Island, Nhật Bản, Na Uy…, từ đó mà triển khai từng bước.

Riêng tỉnh nhà, nên đầu tư vào ngay việc này bằng cách cho  công ty đánh cá của tỉnh đi câu thử cá ngừ loại 20kg trở lên, câu cá mập (lấy cả vi cá và chế biến thịt cá mập) làm thức ăn cho gia súc tiếp đến làm thức ăn cho người, có chính sách thỏa đáng cho công việc có tính thử nghiệm này.

Nếu có kết quả thì có thể cho vay vốn cho tất cả ngư dân Miền Trung đóng tầu từ 100 CV trở lên, đi hoạt động khai thác thủy sản ở  Trường Sa với các chính sách khuyến khích.

Mấy ý kiến nông cạn mong các đồng chí thông cảm.

Vâng, “mấy suy nghĩ về phát triển kinh tế, kết hợp quốc phòng ở Trường Sa” mà thiếu tướng Hà Vi Tùng trình bày một cách khiêm nhường, ngay sau khi trình bày đã nhận được những đồng thuận tuyệt đối từ những thành viên dự hội thảo hôm đó. Để rồi từng bước, từ thực tế những quan hệ tương tác giữa lực lượng quân đội bảo vệ tuyến biển đảo tại quần đảo Trường Sa với những đội, những nhóm thuyền đánh bắt xa bờ truyền thống như một chuỗi thử nghiệm đó, đến  năm 2014, sau khi chính phủ ban hành nghị định 67, giúp ngư dân  các tỉnh thành ven biển phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ. Hàng loạt các tỉnh thành đã triển khai thực hiện hỗ trợ tối đa cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi, bám biển, khai thác thủy hải sản. Theo đó, cùng với các tỉnh ven biển như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận Khánh Hòa, tại Quảng Nam đã có hàng trăm tàu cá gồm tàu vỏ thép,  tàu vỏ composite và tàu vỏ gỗ có công suất từ 400 CV đến 800 CV… xuất quân khai thác hải sản, không chỉ với  giúp ngư dân vững vàng bám biển, vừa khai thác kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc khẩu hiệu "quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam", mỗi tàu cá là một cột mốc chủ quyền Việt Nam trên biển.

Ảnh minh họa
Bộ đội Hải Quân tại đảo Nam Yết hỗ trợ ngư dân tránh bão

Điều đặc biệt, những nội dung, cũng là mục tiêu trong các  “mục a, b, c” được đặt ra trong bài tham luận viết tay của vị tướng nhà binh Hà Vi Tùng năm xưa, đã lần lượt được triển khai một cách đồng bộ, vững chắc tại quần đảo Trường Sa, không chỉ làm thay đổi diện mạo chủ quyền của vùng biển đảo, mà hơn thế, tạo thành từng tuyến , từng lớp liên kết trong hệ thống phòng thủ trên tuyến khai thác tiềm năng kinh tế, tăng cường phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển đảo.  

Hiện tại quần đảo Trường Sa đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi, bám biển và là nơi tránh trú an toàn khi có bão. Và điểm lớn nhất tại đảo Đá Tây A, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (do Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vận hành từ năm 2005) đã và đang cung cấp tất cả mọi dịch vụ cho các tàu đánh bắt xa bờ. Điều mà trước đây khi chưa có trung tâm, ngư dân đánh bắt xong phải chạy tàu  về đất liền để tiếp đá, nhiên liệu vừa tốn kém tiền của, vừa lãng phí thời gian, ngư vụ, đến khi trung tâm đi vào hoạt động, trên đảo đã bán nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như đất liền nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân. Vào những thời điểm có bão, âu tàu có sức chứa 200 tàu thuyền trở thành nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân.

Ảnh minh họa
Hải đăng trên đảo Sơn Ca

Cùng với trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây A, huyện Trường Sa còn có một số âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật tại các đảo khác như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Trường Sa lớn. Tại âu tàu đảo Sinh Tồn, trong cơn bão số 9 (tháng 12-2021) vừa qua, đã có 81 lượt tàu với hơn 700 ngư dân các tỉnh: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quãng Ngãi, Khánh Hòa vào tránh trú bão an toàn. Hiện tại, các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải 1.000 - 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Bên cạnh việc thực hiện công tác hậu cần, kỹ thuật, các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn thực hiện công tác dân vận, thường xuyên tuyên truyền hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản trong khu vực và giúp đỡ ngư dân trong lúc hoạn nạn khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Khánh Hòa sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, chủ động xây dựng đề án để xây dựng Trường Sa thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước”. Trước mắt, cần phải tạo sinh kế cho người dân, còn về lâu dài, phải nghiên cứu căn cơ để phát triển nghề cá ở Trường Sa, bước đầu là sơ chế, tiến tới làm nhà máy…

Đất nước nhìn từ đảo Toc Tan, quần đảo Trường Sa
Đất nước nhìn từ đảo Toc Tan, quần đảo Trường Sa.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 13/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh nội dung nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu: Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, tạo thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trước mắt, bố trí nguồn lực để ưu tiên tập trung phát triển nghề cá và ưu tiên đầu tư cho các công trình âu tàu, hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá tại huyện Trường Sa; đồng thời đưa nhân dân ra đảo để xây dựng và phát triển kinh tế trên chính chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc!

Bài và ảnh: Lê Bá Dương