Trong đó, Tổng Giám đốc Trần Kinh Doanh đăng ký khối lượng nhiều nhất với 720.000 cổ phiếu, dự nâng số lượng nắm giữ lên 4,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1% vốn.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu; nếu giao dịch thành công sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên 2,7%, tương đương 12,3 triệu cổ phiếu.
Tổng khối lượng các lãnh đạo và người nội bộ muốn mua là 1,72 triệu cổ phiếu. Tạm tính theo thị giá hiện nay vào khoảng 69.000 đồng/cp, tổng số tiền ban lãnh đạo và người nội bộ chi cho đợt mua mới xấp xỉ 118 tỷ đồng.
Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh, từ ngày 27/3 đến 25/4/2020.
Trước đó khoảng 1 tuần, hàng loạt cổ đông nội bộ cũng đã đăng ký mua vào cổ phiếu MWG sau khi giá cổ phiếu giảm 37,3% từ đầu năm. Tổng cộng có 4 cổ đông nội bộ MWG đăng ký mua vào 490.000 cổ phiếu MWG, với giá lúc bấy giờ ở mức 78.800 đồng/cp, số tiền các cổ đông này bỏ ra sẽ khoảng 38,6 tỷ đồng. Tất cả các giao dịch này thực hiện từ ngày 23/3/2020 đến ngày 21/4/2020 theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn.
Trên thị trường, cổ phiếu MWG tiếp tục giảm sâu xuống dưới mức 70.000 đồng/cp, như vậy tính từ đầu năm MWG đã ‘bay hơi’ gần 42% giá vốn.
Về kinh doanh, lũy kế 2 tháng đầu năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 20.541 tỷ, tăng 18% và lợi nhuận sau thuế đạt 845 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu online chỉ còn đóng góp 6% tổng doanh thu MWG, đạt 1.218 tỷ đồng.
Theo ngành hàng, sản phẩm điện thoại và điện tử tăng trưởng dương trong khi nhóm điện lạnh và gia dụng tăng trên 15%. Đặc biệt, ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ, do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch COVID-19.
Từ đầu tháng 2 đến nay, Công ty cho biết đã chủ động chậm lại kế hoạch mở rộng (chỉ mở các cửa hàng BHX đã chuẩn bị mặt bằng và nhân sự từ trước) để theo dõi ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nhu cầu mua sắm các loại sản phẩm của khách hàng và xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.
Cho đến thời điểm giữa tháng 3, tình hình kinh doanh không có nhiều đột biến so với cùng kỳ. Nếu tình hình dịch bệnh không diễn biến trầm trọng hơn và không kéo dài quá lâu, MWG kỳ vọng tổng doanh thu các tháng tới đây vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến động thái ứng phó với dịch COVID-19, MWG dự kiến tập trung 2 mục tiêu chính:
(1) Tăng doanh thu thông qua đẩy mạnh bán hàng qua nhiều kênh (bao gồm online); tập trung bán các sản phẩm có nhu cầu cao trong mùa dịch; lấy khó khăn làm cơ hội đẩy thị phần khi các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả.
(2) Giảm chi phí thông qua đàm phán giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh đối với tất cả các chuỗi; thực hiện các biện pháp để tăng năng suất lao động, hạn chế tuyển dụng mới cho tới khi tình hình dịch bệnh rõ ràng hơn; rà soát hoạt động vận hành tại cửa hàng và văn phòng để tiết giảm chi phí, và chuẩn bị các kịch bản cần thiết để đối phó với từng cấp độ diễn tiến của dịch bệnh.
Liên quan đến nguồn cung, hiện nay với các mặt hàng công nghệ và điện máy: MWG đã chốt đơn hàng cho kế hoạch bán hàng 6 tháng đầu năm với các nhà cung cấp từ trước 31/12/2019 nên công ty sẽ luôn được ưu tiên so với các đối tác khác. Do đó, sự quan ngại đứt đoạn về chuỗi cung ứng đối với MWG trong 3 tháng tới là thấp.
Còn các sản phẩm điện gia dụng, phụ kiện và đồ dùng nhà bếp: ít lỗi mốt, giá trị sản phẩm thấp, ngày tồn kho cao hơn hàng công nghệ và điện máy nên chưa bị ảnh hưởng trong các tháng tới.
Đối với chuỗi Bách Hoá Xanh, phần lớn là thu mua từ các nhà cung cấp trong nước nên vẫn đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân.
Tri Túc