Tham dự Tọa đàm có ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP VN, Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch TW Hội Hữu nghị VN-CPC (phụ trách phía Nam) Trưởng Ban Liên lạc Cựu CBĐTNVN phía Nam, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, …
Huyền thoại 1C - tuyến tuyến đường huyết mạch quan trọng chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đã đưa đón trên 3 vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh; vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, trang thiết bị quân sự, hàng ngàn tấn thực phẩm, lương thực, thuốc men…
Từ năm 1966, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh phá ác liệt, phong tỏa tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển; quân và dân ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển trang thiết bị quân sự, vũ khí, chi viện sức người từ miền Bắc cho chiến trường Nam Bộ. Đường 1C (bắt đầu từ Lộc Ninh – Sông Bé, (nay là Bình Phước) đến mũi Cà Mau) ra đời nhằm đáp ứng nhu tuyến giao thông quan trọng vận tải trang thiết bị quân sự, vũ khí, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ.
Tuyến đường 1C tiếp nối đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, từ miền Đông Nam Bộ về đất mũi Cà Mau. Tại đây, hàng ngàn thanh niên tuổi đời rất trẻ, chỉ từ 15 tới ngoài 20 tuổi với trên 2/3 là nữ, làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển vũ khí, hậu cần, lương thực từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Tây Nam Bộ từ năm 1967 tới ngày giải phóng miền Nam (30/4/21975) thống nhất nước nhà. Lực lượng thanh niên xung phong anh dũng đã tạc nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng sức trẻ, nhiệt huyết và cả xương máu của mình.
Tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam, trong phát biểu khai mạc cuộc Tọa đàm đã nhận định: Cuộc sống và các trận chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong, cán bộ đoàn viên thanh niên, bộ đội trên tuyến đường 1C ngày ấy, mang ý nghĩa sâu sắc. Là sự hy sinh cao cả cùng với những ước mơ và nghị lực phi thường của một thời tuổi trẻ sẵn sàng hiến dâng cho đất nước.
Nhân chứng lịch sử Võ Tuyết Lệ, nữ cựu thanh niên xung phong từng hoạt động tiếp vận trên tuyến đường 1C (đoạn thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc trong việc đưa đón cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh, vận chuyển hàng cho chiến trường trên đường 1C.
Bà kể, vào năm 1968 được cấp trên giao nhiệm vụ hỗ trợ đưa hàng hóa từ Campuchia về Kiên Giang. Trong một lần tiếp tế hàng hóa ở rừng Hà Tiên-Kiên Giang, đơn vị của bà bị địch phục kích 3 lần. Số lượng chiến sĩ thương vong cao, bà Võ Tuyết Lệ được phân công chăm sóc cứu chữa cho 3 du kích bị thương nặng.
"Địch lúc đó mai phục nhiều đêm ở Kinh Vĩnh Tế. Trực thăng quần thảo, liên tục thả bom để cắt đường di chuyển của ta. Lúc đó tôi có 1 số cơ số thuốc, 1 khẩu AK, 4 băng đạn cùng 3 chiến sĩ cố thủ trong công sự chữ L. Mặc dù bản thân tôi bị thương nhưng đã băng bó vết thương và nhất quyết chống trả các đợt tấn công của địch, bảo vệ an toàn cho anh em thương binh", bà Võ Tuyết Lệ nhớ lại.
Tại cuộc tọa đàm, anh Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn nhận định, tuyến đường 1C huyền thoại có những điểm đặc biệt, đây là tuyến đường được Liên đội I thanh niên xung phong tổ chức, thành lập, và do tổ chức Đoàn trực tiếp chỉ huy, điều phối các hoạt động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên một chiến trường rất ác liệt.
Lúc bấy giờ Liên đội I thanh niên xung phong có khoảng 600/800 quân là nữ, các chị và các anh đã khắc phục mọi khó khăn và đã lập được nhiều chiến công.
"Hàng trăm trận đánh, hàng ngàn câu chuyện của các cô chú đã tô thắm thêm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, tiếp lửa cho các thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau tiếp tục rèn luyện, học tập, phấn đấu để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh".
Tuyến đường 1C trên địa bàn thôn Tà Em, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, được biết đến là con đường đưa phương tiện, tranh thiết bị quân sự phục vụ chiến tranh cứu nước từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh đến miền Đông Nam Bộ. Từ đây được đưa về các tỉnh miền Tây Nam Bộ phục vụ cuộc kháng chiến cứu dân cứu nước. Tuyến đường 1C ra đời do Khu ủy miền Tây Nam Bộ (T3) giao nhiệm vụ cho Khu đoàn Tây Nam Bộ tổ chức, cùng với việc thành lập các đội thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ.
Tuyến đường này, từng bị địch phát hiện, chúng làm mọi cách hủy diệt; ác liệt đến mức có người ví đường 1C là "nơi sắt thép tan chảy”, nhưng “con người đi qua được".
Lực lượng Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên tuyến đường 1C đã tiếp nhận và vận chuyển trên 13.000 tấn vũ khí, khí tài và vật tư quan trọng phục vụ cho chiến trường miền Tây Nam Bộ, từ nguồn chi viện của Trung ương và Trung ương Cục miền Nam; đưa rước an toàn cho trên 30 ngàn lượt người, gồm bộ đội, cán bộ, chiến sĩ ngược xuôi trên tuyến đường huyền thoại này.
Ngoài vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, vật tư, lực lượng Thanh niên xung phong 1C còn trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ kho bãi, bảo vệ lực lượng, căn cứ, và mở rộng hành lang để vận chuyển theo yêu cầu cấp thiết của chiến trường; trực tiếp tham gia đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, kết hợp bộ đội, cùng du kích địa phương loại bỏ khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.
Tham dự tọa đàm, nhiều bạn trẻ là sinh viên, cán bộ đoàn, hội thanh niên đã bày tỏ sự cảm phục và biết ơn các thế hệ cha anh và coi đây là dịp để tìm hiểu thêm truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam, cuộc tọa đàm đã giúp các bạn sinh viên, thanh niên hiểu biết sâu sắc thêm về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm vóc cùng những giá trị quý giá mà các thế hệ thanh niên xung phong, cán bộ đoàn viên thanh niên và nhân dân sống, chiến đấu trên tuyến đường 1C đã mang lại.
Một số đại biểu tham dự cuộc tọa đàm nhận định, với những cống hiến của lực lượng thanh niên xung phong đã làm nên huyên thoại một con đường 1C, nơi đây xứng đáng là một “địa chỉ Đỏ” được dựng bia Kỷ niệm và kiến nghị Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trước giờ khai mạc cuộc tọa đàm (sáng 14/10/2023) tại Thư viện khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên VN phía Nam đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Anh hùng Lý Tự Trọng- “Người Đoàn viên đầu tiên của Đoàn thanh niên Cộng sản nước ta, cũng là người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng” (trích Hồ Chí Minh toàn tập).
Trong suốt cuộc đời mình, Anh hùng Lý Tự Trọng đã không ngừng tận tâm, tận hiến và tận trung với con đường cách mạng. Sự hy sinh của anh mãi mãi là ngọn lửa thổi bùng tinh thần yêu nước nồng nàn trong trái tim của các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Trần Văn Thông