Một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đang phát triển

16:46 17/08/2023

Sáng 17.8 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số”.

Ảnh minh họa
 Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho biết, trong xu thế chuyển đổi số chung của tất cả ngành nghề, lĩnh vực, thì chuyển đổi số báo chí cũng sẽ trở thành xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng công nghệ trên thế giới, xu thế tất yếu hình thành những mô hình về tòa soạn số trên thế giới nói chung và các cơ quan báo chí ở Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để thảo luận về những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số, thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam.

Để có được sự hội tụ, tích hợp cả về mặt nội dung lẫn phương thức hoạt động thì mô hình tòa soạn số đang là xu thế tất yếu, được triển khai tại các cơ quan báo chí trên thế giới. Và các cơ quan báo chí Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của cơ quan báo chí, đổi mới mạnh mẽ nhằm chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.

Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) hiện đang là hai trong số những công nghệ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay, đặc biệt là trong việc vận hành, quản lý tòa soạn số, ông Lê Quốc Minh đưa ra gợi ý cho các cơ quan báo chí.

TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, chuyển đổi số đang là xu thế chung của nhiều ngành và lĩnh vực ở Việt Nam, do đó các cơ quan báo chí trong nước cũng bắt buộc phải đồng hành với sự thay đổi mang tính thời thế này. Thực chất, chuyển đổi số báo chí chính là việc ứng dụng công nghệ và hoạt động báo chí, xây dựng hệ sinh thái báo chí số qua đó nâng cao hiệu quả, đa dạng phương thức truyền tải thông tin tới xã hội.

Hiện tại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đang có nhiều sản phẩm công nghệ có thể ứng dụng cho tòa soạn số như AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa, công nghệ DeepFake, công nghệ AR, VR,… Ngoài ra Học viện cũng có giải pháp lắng nghe mạng xã hội Social Listening, phục vụ cho các hoạt động quản trị truyền thông… ông Đặng Hoài Bắc thông tin.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Đây là hội thảo về chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông, những người làm báo cả nước và cả các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng trao đổi về ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí, chia sẻ những mô hình tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay cùng những giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn. Điều này cho thấy chủ đề mà hội thảo đưa ra hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay”.

Hội thảo Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số bao gồm hai phiên, gồm: Thứ nhất, các giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; Thứ hai, thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam đã cung cấp những góc nhìn mới, các thông tin mấu chốt của vấn đề Quản trị tòa soạn số trong bối cảnh hiện nay.

Trong phiên thứ nhất của hội thảo có chủ đề “Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số”, các tham luận tập trung làm rõ tòa soạn số trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam hiện nay, ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị tòa soạn số, ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa, ứng dụng AI trong quản trị nội dung số.

Tham luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học Viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Theo ông, nếu xây dựng được tòa soạn số, chúng ta sẽ tận dụng được những lợi thế về mặt công nghệ, thông tin để thực hiện các hoạt động báo chí. Tăng cường sức gắn kết với bạn đọc, có quy trình cải tiến về công nghệ, hoạt động của tòa soạn nhằm rút ngắn thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ sẽ giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả hơn việc phân tích, quản lý dữ liệu…

Theo Tiến sĩ Trần Quang Diệu, công nghệ là công cụ nếu chúng ta áp dụng, sử dụng công nghệ không hợp lý thì công nghệ đó chỉ mang tính trình diễn. Do đó, cần có lộ trình chuyển đổi số cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng của các cơ quan báo chí.

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất tin tức, video tự động dựa trên từ khoá, TS. Trần Tiến Công - Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trình bày những ứng dụng của công nghệ AI tạo sinh văn bản tự động tích hợp công nghệ trong các toà soạn thời đại số. Những công nghệ như tạo sinh văn bản và ảnh tự động này có thể được dùng để tạo ra những video phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian tạo nội dung văn bản, ảnh và video…

Bên cạnh việc khẳng định những lợi thế trong việc áp dụng công nghệ AI, blockchain, tại Hội thảo các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, việc sử dụng công nghệ báo chí tự động mà không có sự kiểm soát sẽ gây ra sự “hỗn loạn”.

Ông Huỳnh Long Thủy - Tổng giám đốc VieOn chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nội dung dựa trên phân tích hành vi người xem trên môi trường số
Ông Huỳnh Long Thủy - Tổng giám đốc VieOn chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nội dung dựa trên phân tích hành vi người xem trên môi trường số.

Cá nhân hóa độc giả

Đặt mục tiêu khán giả xem trọn 100% nội dung cung cấp, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieOn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cá nhân hóa người dùng và khuyến nghị nội dung phù hợp. Quá trình này là kết quả của việc thu thập và phân tích dữ liệu người dùng.

“Nếu Youtube đề xuất nội dung theo từ khóa thì Tiktok khuyến nghị người dùng theo từng frame hình. Từ đó, họ đưa ra phân tích dữ liệu và quảng cáo phù hợp. Đây là cách chúng tôi học hỏi”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieOn phân tích.

Sau khi thu thập dữ liệu người dùng, nhà cung cấp nội dung phải biết sắp xếp và đọc hiểu các nội dung đó.

Theo ông Huỳnh Long Thủy: “Dữ liệu giống một bộ lego tháo rời. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sắp xếp, mô hình hóa, phân tích bộ lego đó. Nếu thu thập mà không biết cách đọc và dùng thì dữ liệu cũng trở thành vô nghĩa”.

Phiên thứ hai giới thiệu thành tựu trong ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam do đại diện các cơ quan báo chí trình bày. Thông qua một số mô hình bước đầu đạt hiệu quả của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) ứng dụng sản xuất thời sự trên thế mạnh của trí tuệ nhân tạo, mô hình tòa soạn số và phân phối nội dung đa nền tảng, quản trị kinh doanh nội dung số…

Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ nêu vấn đề các tòa soạn đang phải đối mặt hiện nay là làm sao vẫn bảo đảm năng suất của tòa soạn hội tụ mà không gia tăng áp lực đối với đội ngũ. Theo ông, giải pháp khả thi nhất là tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải chuyển đổi số sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn.

Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất nội dung. Nhà báo Ngô Trần Thịnh - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đem đến hội thảo bài thuyết trình để trả lời câu hỏi: “AI có đang “đe dọa” nhà báo mất việc? Nhà báo và nhà báo tương lai có còn sợ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo?”.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh khẳng định: “Anh và các đồng nghiệp đang sử dụng AI hàng ngày để sản xuất nội dung báo chí. AI là công cụ chứ không phải sự đe dọa. Và các nhà báo sử dụng tốt công nghệ sẽ giảm tải công việc rất nhiều”.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thư ký Biên tập VOV cũng nhận định: “Sự thay đổi quan trọng nhất trong chuyển đổi số là thay đổi ở con người chứ không phải sự thay đổi đến từ công nghệ.” Đại diện VTV cũng giới thiệu tại hội thảo kết quả chuyển đổi số thời gian qua, dù lượng quảng cáo sụt giảm nhưng phần doanh thu đến từ phân phối sản phẩm số trong năm qua đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Hầu hết các diễn giả trình bày tại hội thảo đều khẳng định công nghệ không thể thay thế phóng viên, biên tập viên nhưng không có công nghệ, báo chí sẽ không đến được với bạn đọc trên môi trường số. Hiện nay các cơ quan báo chí lớn đã nhận thức được điều này và đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển sản phẩm số. Hiện VTVGo, VOVlive, VTCNow đang là những kênh thông tin lớn, có ảnh hưởng nhất định trên môi trường số.

Phát biểu kết luận hội thảo, với tư cách Chủ tịch Hội Nhà báo VN, ông Lê Quốc Minh đánh giá cao những tham luận đến từ các diễn giả và khẳng định Hội Nhà báo sẽ đồng hành cùng các đơn vị báo chí trong công cuộc chuyển đổi số. Mỗi tòa soạn cần xác định bước đi phù hợp với mình, từ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất tin bài, cho tới việc quản trị tòa soạn, thu thập dữ liệu độc giả, phân phối sản phẩm trên nền tảng số. Từ đó khẳng định, vai trò định hướng dư luận của báo chí cách mạng trong các vấn đề lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền.

Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng, hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

An Thảo