Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thông tin tham khảo?
Khi mua hoa quả nhập khẩu (NK), nếu để ý người tiêu dùng có thể thấy trên mỗi con tem nhỏ đều dán những con số gồm từ 4- 5 chữ số. Theo lời một nhân viên quầy hàng hoa quả NK của siêu thị Lotte, Liễu Giai, Hà Nội, những dãy số này tạm hiểu là PLU code. PLU được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm (International Federation for Produce Standards- IFPS).
Mã PLU được xác định dựa trên nhiều yếu tố như chủng loại, đặc điểm của trái cây, phương pháp trồng và kích cỡ. Mã PLU gồm 4 hoặc 5 ký tự, mã này thường được sử dụng tại quầy thanh toán để xác định giá của sản phẩm gắn mã. Theo tài liệu hướng dẫn sử dụng của tổ chức này thì mã PLU được sử dụng cho các nông sản được bán dạng rời, tự do, theo cân hoặc từng sản phẩm ví dụ quả táo hay bó rau.
Cụ thể, mã số gồm 4 chữ số và bắt đầu bằng số 4 thì đó là kí hiệu của hoa quả được trồng bằng công nghệ thông thường, nghĩa là có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ... theo liều lượng đúng quy chuẩn.
Nếu trên tem có 4 chữ số, bắt đầu bằng số 3, thì đó là kí hiệu của hoa quả được xử lý bằng công nghệ bức xạ ion hóa, tuân thủ những yêu cầu nhất định về liều chiếu, quy cách bảo quản sản phẩm và điều kiện lưu kho, vận chuyển, chế biến sau khi chiếu xạ.
Mã số gồm 5 chữ số và bắt đầu bằng số 8, đó là thực phẩm biến đổi gen. Và mã sỗ bắt đầu bằng số 9, hiển thị phương pháp trồng hữu cơ.
Hiện nay, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác yêu cầu các nhà sản xuất để có được Chứng nhận Hữu cơ đều phải tuân thủ theo các quy chuẩn nghiêm ngặt được thiết lập bởi các nước và các tổ chức thương mại quốc tế.
Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP Hà Nội như: Lotte, Vinmart, BigC…, hầu hết trên kệ hàng các sản phẩm hoa quả NK, đặc biệt là táo chỉ có mã số với đầu số 3 và 4, rất ít sản phẩm có dãy 5 chữ số bắt đầu bằng số 8 hay 9. Chẳng hạn như táo Envy, NK từ Mỹ, mã số trên tem 3616 có giá là 169.000 đồng/kg; Gala, mã số 4133, NK từ Mỹ, giá 84.000 đồng/kg; táo Jazz NK từ New Zealand, mã số trên tem là 3294 có giá 115.000 đồng/kg; hay táo Posy NK từ New Zealand có giá 115.000 đồng/kg; lê Kpear NK từ Hàn Quốc, mã số 4408 có giá là 169.000 đồng/kg. Các loại táo NK khác như Yummy, Chalan, Breeze... có giá từ 70 đến 90.000 đồng/kg.
Qua quan sát tại đây, phóng viên nhận thấy, một số sản phẩm táo ghi nơi sản xuất là Nhật Bản song không hề hiển thị mã số hay mã vạch. Đem thắc mắc này hỏi nhân viên tại Siêu thị Lotte, người này cho rằng, chỉ cần nhìn nguồn gốc sản phẩm của Nhật là biết an toàn.
Không nói lên được chất lượng
Về nguồn gốc của các loại hoa quả NK hiện nay, qua tìm của phóng viên được biết, do sự phát triển ồ ạt của thị trường và nhu cầu cao của người tiêu dùng, một số cơ sở kinh doanh hoa quả NK đã trà trộn những loại quả cùng tên, giống về hình dáng nhưng chất lượng kém để bán giá cao, với mác hoa quả NK. Từ đó xuất hiện tình trạng những loại trái cây không rõ nguồn gốc tồn dư chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Từ thị trường hoa quả NK hiện nay có thể thấy rằng, việc dán tem mác được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, đâu là giả, đâu là thật thì khó có thể kiểm chứng được. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chưa có quy định nào cụ thể về các loại mã số được dán trên hoa quả NK.
Ông Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia cho rằng, hiện Trung tâm là cơ quan được giao xây dựng đề án kiểm soát mã số, mã vạch các sản phẩm. Với hoa quả NK, hiện chưa có bất kỳ đăng ký nào của DN về việc mã số, mã vạch hiển thị thông tin về chất lượng sản phẩm. Việc các mã số 4 chữ số bắt đầu bằng số 3, 4 hay 5 chữ số bắt đầu bằng số 8 hay 9 như thông tin nêu ra có thể do mỗi quốc gia tự đặt theo quy định của một tổ chức quốc tế mà họ là thành viên.
“Hiện chưa có bất kỳ một cơ quan quản lý Nhà nước nào đứng ra kiểm soát việc truy xuất mã số sản phẩm để biết nguồn gốc của sản phẩm. Theo lộ trình, phải đến năm 2025 Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia mới hoàn thiện việc cung cấp mã số và có thể quản lý được vấn đề này trên phạm vi toàn quốc” Giám đốc Bùi Bá Chính nói.
Với hoa quả trong nước, theo Giám đốc Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia, hiện cơ quan này mới đang triển khai mã số, mã vạch 893 nhằm cung cấp một phần thông tin của sản phẩm như nguồn gốc, phương pháp trồng trọt.
Ở một khía cạnh khác, theo ý kiến của một cán bộ đang công tác tại Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia, mã số, mã vạch thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu mã số, mã vạch. Vì thế, mã số, mã vạch chỉ cho biết thông tin quyền sở hữu mã số, mã vạch, chứ không thể hiện được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Phân tích về điều này, cán bộ này cho hay, các mã vạch trên hoa quả trong siêu thị như mã vạch của Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản..., tức là các chủ sở hữu nhãn hiệu đó ở Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản… chứ không thể hiện hoa quả đó NK ở Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. "Quả táo có thể mang nhãn ở Mỹ nhưng nó có thể có xuất xứ từ Trung Quốc", cán bộ này lấy ví dụ.
“Người tiêu dùng có thể xác định thông tin chủ sở hữu sản phẩm tuân theo mã số mã vạch trên sản phẩm nhưng thực tế mã số, mã vạch có thể làm giả, dán nhầm, do vậy khách hàng không nên tin tưởng quá nhiều vào mã số, mã vạch”, vị này khuyến cáo.
Hiện việc kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm cũng như giá cả của các loại hoa quả nói chung và thực phẩm NK nói riêng đang là vấn đề khó khăn đối với các ngành chức năng. Do vậy, trong khi chờ cơ quan quản lý có biện pháp cụ thể, người tiêu dùng phải cẩn trọng, tỉnh táo khi chọn mua những sản phẩm hoa quả, nên chọn những sản phẩm có thương hiệu, uy tín để đảm bảo chất lượng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
D.Ngân