Thẩm phán Tòa án tối cao Brazil ra lệnh "đình chỉ lập tức" nền tảng truyền thông xã hội X tại quốc gia này. Động thái này là diễn biến mới nhất trong cuộc đấu dai dẳng nhiều tháng giữa thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes và Elon Musk về việc kiểm soát thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Trước đó, Moraes đã yêu cầu đóng băng tài khoản tài dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX - công ty do Elon Musk sáng lập, tại Brazil.
Ngày 30/8, de Moraes ra lệnh đình chỉ hoàn toàn và ngay lập tức X cho đến khi tất cả lệnh của tòa án liên quan đến X được tuân thủ, như thanh toán khoản tiền phạt 18,5 triệu BRL (3,28 triệu USD) và chỉ định một đại diện hợp pháp tại đây.
"Elon Musk đã thể hiện sự thiếu tôn trọng hoàn toàn với chủ quyền của Brazil, đặc biệt là với ngành tư pháp, tự coi mình là một thực thể siêu quốc gia và miễn nhiễm với luật pháp của mỗi quốc gia", de Moraes cho hay.
Ông cũng trích dẫn các tuyên bố của Musk để chứng minh X "có ý định tiếp tục khuyến khích bài đăng có nội dung cực đoan, ngôn từ kích động thù địch".
Trước đó, ngày 28/8, Tòa án tối cao Brazil thông báo cho Musk và X có 24 giờ để chỉ định một đại diện pháp lý cho hoạt động kinh doanh của mình tại nước này nếu không muốn bị đình chỉ. Hạn chót cũng đã trôi qua vào tối ngày 29/8.
Luật pháp Brazil quy định những công ty mạng xã hội đang hoạt động tại địa phương phải có nhân viên xử lý những yêu cầu gỡ bỏ nội dung của chính phủ, bao gồm tin giả và kích động bạo lực. X không có đại diện như vậy tại Brazil.
Việc Brazil đình chỉ mạng xã hội X có thể gây rắc rối cho công ty vốn đã gặp khó khăn của Musk. Theo hãng tư vấn chiến lược Oosga, nước này đang có hơn 171 triệu người dùng mạng xã hội tích cực.
Tình cảnh của Brazil hiện nay cho thấy thế khó mà nhiều quốc gia phải đối mặt trong chính sách đối với các nền tảng mạng xã hội: Hoặc hạn chế quá mạnh tay và bị dư luận phản ứng, hoặc không làm gì và để thông tin xấu độc lan truyền do các công ty đa quốc gia thường không chia sẻ mối quan tâm các chính phủ.
Trong một thời gian dài, chính phủ Mỹ để các công ty công nghệ tự kiểm duyệt và giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington thay đổi cách tiếp cận từ đầu năm nay khi ban hành luật dọa cấm TikTok nếu nền tảng này không được bán cho chủ sở hữu khác.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2022 thông qua đạo luật yêu cầu các công ty công nghệ tuân thủ các quy định cụ thể về bài đăng. Nước Pháp mới đây cũng đưa ra cáo buộc đối với nhà sáng lập Telegram Pavel Durov vì không ngăn chặn các hoạt động xấu, độc trên nên tảng này. Dù vậy, ít có chính phủ phương Tây nào áp đặt các biện pháp cứng rắn như Brazil.
Giáo sư Carlos Affonso Souza, chuyên gia luật Internet, gọi đây là "quyết định pháp lý mạnh mẽ nhất trong lịch sử 30 năm luật Internet của Brazil". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Brazil cần có hành động sau khi Elon Musk liên tục công khai coi thường lệnh của tòa án.
“Các công ty không có quyền đánh giá liệu một quyết định của tòa án có thích đáng hay không”, ông Souza nói. “Công ty đó phải khiếu nại trong một vụ kiện chứ không được phép không tuân thủ”.
Brazil là thị trường quan trọng đối với X, nhưng phải chật vật với tình trạng mất khách hàng quảng cáo kể từ khi Musk mua lại Twitter năm 2022. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Emarketer, 40 triệu người Brazil, chiếm một phần năm dân số, truy cập X ít nhất một lần mỗi tháng.
Trước X, các thẩm phán Brazil từng đóng cửa WhatsApp, ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi nhất tại đây, năm 2015 và 2016 do từ chối tuân thủ yêu cầu của cảnh sát về dữ liệu người dùng. Năm 2022, de Moraes đe dọa đóng cửa Telegram với lý do ứng dụng nhiều lần phớt lờ yêu cầu của chính quyền về việc chặn hồ sơ và cung cấp thông tin người dùng. Ông ra lệnh Telegram chỉ định một đại diện địa phương và nền tảng sau đó đã tuân thủ để tiếp tục hoạt động.
Mai Anh