Nối gót Viettel, VinaPhone là nhà mạng tiếp theo triển khai 5G tại Việt Nam |
Ngày 20/12 tại Hà Nội, Tập đoàn VNPT đã công bố chính thức cung cấp dịch vụ VinaPhone 5G siêu tốc độ, siêu trải nghiệm. Hoạt động trên băng tần 3.700 – 3.800 MHz với lợi thế băng thông lớn, độ trễ thấp, tốc độ thương mại của VinaPhone 5G có thể lên đến 1,5 Gbps, gấp 10-20 lần 4G, và người dùng có thể "ngay lập tức được cảm nhận được tốc độ vượt trội", đặc biệt với dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn, độ trễ thấp như chơi game trên đám mây, livestream, xem video 4K/8K/360, đồng thời có thể phát qua wifi để chia sẻ cho các thiết bị khác.
Đối với dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, chất lượng thoại trên nền tảng 5G cũng tăng 20% so với 4G. Đặc biệt, các hộ gia đình, các doanh nghiệp có thể sử dụng thiết bị thu sóng 5G, phát WiFi trong nhà/trong văn phòng với tốc độ cao.
Toàn bộ thuê bao VinaPhone có SIM 4G và máy điện thoại 5G sẽ được cung cấp dịch vụ khi hoạt động trong vùng phủ sóng 5G mà không cần phải đăng ký các gói cước 5G mới.
Đối với các ngành kinh tế như sản xuất, y tế, giáo dục, tài chính, năng lượng..., VinaPhone 5G đã sẵn sàng các giải pháp Private 5G Network (đáp ứng yêu cầu riêng về tốc độ, độ trễ, mật độ kết nối và giải pháp tích hợp), Network Slicing (cá thể hóa tốc độ 5G theo nhu cầu), OpenRAN 5G (tích hợp các công nghệ hiện đại khác để xây dựng các giải pháp cho từng ngành) hỗ trợ hàng trăm mô hình ứng dụng khác nhau nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tạo ra các bước ngoặt đột phá trong quản trị vận hành, là nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, với công nghệ hiện đại, tốc độ cao theo chuẩn 5G thế giới, VinaPhone 5G còn là hạ tầng mạng lưới quan trọng để Việt Nam thúc đẩy công nghiệp sáng tạo “Made in Việt Nam” và chào đón đầu tư hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, hợp tác nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền 5G.
Như vậy ngay sau khi Viettel thương mại hoá 5G vào giữa tháng 10/2024 vừa qua, VinaPhone là nhà mạng tiếp theo chính thức bước vào "cuộc đua" 5G.
Người dùng các gói cước 4G của VinaPhone hiện tại có thể được tự động nâng lên 5G, với điều kiện sử dụng thiết bị có hỗ trợ công nghệ mới và trong khu vực phủ sóng. Ngoài ra, nhà mạng cũng đưa ra các gói cước dung lượng lớn dành riêng cho người dùng 5G, giá 199.000-349.000 nghìn đồng, được sử dụng 240-300 GB mỗi tháng, tương đương 8-10 GB mỗi ngày, cùng một số ưu đãi về gọi điện, tin nhắn, và miễn phí xem một số dịch vụ mạng xã hội phổ biến.
Nhà mạng cho biết triển khai 5G theo chuẩn mới nhất của thế giới là 64T64R Massive MIMO & Beamforming, sử dụng chipset 5 nm. Mạng này sử dụng nền tảng kiến trúc kết hợp 5G SA và 5G NSA (5G độc lập và không độc lập). Vị trí triển khai ban đầu tập trung vào khu vực trọng điểm về kinh tế xã hội như trung tâm hành chính quận, huyện, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường học, bệnh viện, khu du lịch.
Triển khai thử nghiệm thương mại từ năm 2020 và chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G vào tháng 4/2024, Tập đoàn VNPT đã xác định chiến lược đầu tư mạng 5G hiện đại nhất và tốc độ nhanh nhất.
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: “Sau khi hoàn thành phổ cập 4G, chúng tôi coi 5G là không gian công nghệ mới và rộng mở, nơi mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp tổ chức đều là chuyên gia có thể tham gia cùng kiến tạo và thụ hưởng những khía cạnh của môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết. Ở phía nhà mạng, chúng tôi đảm bảo cung cấp một nền tảng hạ tầng 5G toàn diện - ưu việt để đón đầu các xu hướng mới”.
Nhà mạng không tiết lộ số trạm đã triển khai, nhưng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng phủ sóng trong năm 2025, đặt mục tiêu sớm phủ 85% dân số thời gian tới. Theo yêu cầu về đấu giá tần số, doanh nghiệp trúng thầu phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép và sau hai năm phải có tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.