![]() |
Rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ chạm mốc 800.000 tấn vào năm 2030 |
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Dự báo, năm 2024, quy mô sẽ vượt mốc 25 tỷ USD. Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến (Cross Border Ecommerce) ngày càng phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, từ đại dịch Covid-19, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) lại tăng trưởng mạnh. Dự báo, xuất khẩu trực tuyến của nước ta có thể đạt tới 13 tỷ USD vào năm 2027.
Với sự hỗ trợ đắc lực từ thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam sẽ thúc đẩy hơn nữa, đưa các doanh nghiệp từ bước khởi đầu đến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua cũng gây thêm tác động tiêu cực tới môi trường, do sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa, song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử kéo theo nhiều tác hại môi trường, gồm phát thải trong đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và đặt đồ ăn online.
Năm ngoái, quy mô thị trường mua hàng trực tuyến và giao đồ ăn của Việt Nam đạt lần lượt 22 tỷ USD và 1 tỷ USD. Lĩnh vực này thải ra 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần, theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF).
Chỉ tính riêng rác thải nhựa, để bán ra 1 tỷ USD, ngành thương mại điện tử thải hơn 7.600 tấn. Còn giao đồ ăn thải gần 18.600 tấn nhựa.
VECOM cho rằng nếu không có giải pháp mạnh mẽ trong đóng gói hàng hóa, đến năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD, rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800.000 tấn.
Trước đó, kết quả khảo sát của VECOM về hành vi bảo vệ môi trường của 4.000 người tiêu dùng trực tuyến, tập trung vào thế hệ Z và tổng hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như chính sách, pháp luật về thương mại và môi trường cho hay, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống.
Ngoài ra, về các giải pháp để thương mại điện tử thân thiện với môi trường, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử, 71% đề xuất các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Trong khi đó, 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hội đồng Tư vấn VECOM trong một hội thảo về bảo vệ môi trường trước sự phát triển của thương mại điện tử trong tháng 12 vừa qua đã đề xuất một số chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử gắn với bảo vệ môi trường.
Thứ nhất, nhà nước cần triển khai hoạt động thống kê định lượng về tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường.
Thứ hai, nhanh chóng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chính sách và pháp luật về thương mại điện tử, logistics và bưu chính.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số, môi trường và truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường trong kinh doanh trực tuyến. Chú trọng việc tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn việc bảo vệ môi trường với hình ảnh, uy tín kinh doanh và thu hút người tiêu dùng thông minh. Doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Thứ tư, các doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh trực tuyến cần tìm hiểu và triển khai Bộ tiêu chí Thương mại điện tử Xanh của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cuối cùng, đào tạo về thương mại điện tử xanh tại các trường đại học là một giải pháp cần thiết cho sự phát triển bền vững. Theo Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học năm 2023 của VECOM, đã có hàng chục trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng và khoa học môi trường. Ngoài sự chủ động của các trường, giai đoạn 2026-2030, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động để hỗ trợ các trường này xây dựng chương trình đào tạo với học phần về thương mại điện tử xanh.