Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất toàn diện trên mọi mặt, trong đó việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp
Thanh Hóa hiện có hơn 21.000 doanh nghiệp, trong đó có hơn 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 90% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện chuyển đổi số là một hành động tất yếu để doanh nghiệp thích ứng, tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số. Sở Thông tin và Truyền thông mỗi năm đã tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị nhiều chương trình đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nền tảng Hợp đồng điện tử...
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh |
Kinh tế số tại tỉnh này tiếp tục phát triển. cho đến thời điểm hiện tại, 100% doanh nghiệp tại Thanh Hoá đã được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có 5.550 doanh nghiệp đạt mức độ chuyển đổi số theo quy định, bằng 29,65% tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế, tăng 3,85% so với năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, Thanh Hoá đã thành lập mới 8 doanh nghiệp công nghệ số, nâng tổng số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn lên 337 doanh nghiệp, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thương nhân kinh doanh xăng dầu và 80% trung tâm thương mại, siêu thị đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động, khối DN tài chính ngân hàng đã và đang tích cực chuyển đổi số (CĐS) nhằm tăng trưởng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.
Điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Thanh Hóa. Thời gian qua, đơn vị đã đã chú trọng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử Agribank Plus... Bên cạnh đó, Agribank cũng đẩy mạnh các chương trình hợp tác, cung ứng các dịch vụ liên kết như chi trả lương, thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn, thu hộ, chi hộ bằng các hình thức thanh toán điện tử. Để mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank chi nhánh Thanh Hóa đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống 41 máy ATM, CDM, 250 máy POS và mở rộng hàng nghìn điểm thanh toán qua QR-Code, VietQR...
Agribank Thanh Hóa chú trọng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, mở thẻ thanh toán, cài đặt ứng dụng ngân hàng điện tử |
Đánh giá về vai trò, tác động của chuyển đổi số đối với sự phát triển của xã hội, Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa khẳng định: chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện mở rộng nhiều công cụ số để cá doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhiều dịch vụ số. Sự thay đổi này đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thành phố thông minh, IoT, AI, big data, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đến với Thanh Hóa. Đồng thời tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục số hóa trên mọi mặt để có thể hội nhập với nền kinh tế số trong bối cảnh hiện tại.