Bài liên quan |
Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi: Bước tiến trong quản lý thuế doanh nghiệp trên nền tảng số |
Sơn La: Hơn 8.000 giao dịch nông sản thông qua các nền tảng số |
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành "Khung tiêu chí thí điểm và quy trình xác định nền tảng số xuất sắc thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ năm 2025", nhằm tiếp tục thực hiện "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Chương trình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số. Khung tiêu chí này được xây dựng để xác định và công nhận những nền tảng số xuất sắc, giúp nâng cao tính xác thực, độ tin cậy trong giao dịch điện tử và hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số. Các nền tảng số được xét duyệt dựa trên 16 tiêu chí thuộc 5 nhóm chính, bao gồm tiêu chí kỹ thuật của nền tảng, tiêu chí về an toàn và an ninh mạng, tiêu chí yêu cầu về chức năng và tính năng, tiêu chí về doanh nghiệp phát triển nền tảng cùng các nguồn lực, và tiêu chí đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như hỗ trợ hoạt động của cơ quan quản lý.
![]() |
Ra bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số |
Trong đó, nhóm tiêu chí yêu cầu chức năng và tính năng quy định cụ thể 12 giải pháp cho nền tảng số phục vụ bán lẻ và 15 giải pháp cho nền tảng số phục vụ bán buôn, với yêu cầu doanh nghiệp nền tảng phải đạt tối thiểu 50% tiêu chí và có lộ trình hoàn thiện các tính năng còn lại. Để đảm bảo lợi ích thực tiễn, mỗi nền tảng số phải cam kết cung cấp tối thiểu 6 tháng sử dụng miễn phí các tính năng cơ bản, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý có điều kiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách thuận lợi nhất.
Quy trình xét duyệt nền tảng số xuất sắc được thực hiện chặt chẽ, theo đó doanh nghiệp nộp hồ sơ đánh giá lên Bộ TT&TT thông qua Vụ Kinh tế số và Xã hội số. Hội đồng đánh giá sẽ tổ chức thẩm định và trình kết quả lên Bộ trưởng Bộ TT&TT trong vòng 15 ngày làm việc, sau đó danh sách các nền tảng đạt chuẩn sẽ được công bố. Bộ TT&TT cũng sẽ định kỳ rà soát, cập nhật tiêu chí và tổ chức đánh giá lại để đảm bảo tính liên tục và phù hợp với tình hình thực tế.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào mà còn mang lại nhiều cơ hội việc làm. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, hơn 54.000 doanh nghiệp bán lẻ và gần 209.000 doanh nghiệp bán buôn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng cơ hội phát triển và thúc đẩy nền kinh tế số.
Năm 2024, Việt Nam đã thí điểm thành công mô hình hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT và Bộ Công Thương đã ký kết thỏa thuận hợp tác để triển khai rộng rãi mô hình này trên toàn quốc, kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững trong giai đoạn tới.