Lý do gì khiến Amazon bị EU điều tra về thương vụ mua lại iRobot?

15:25 07/07/2023

Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra quyết định về việc liệu họ có chặn thỏa thuận Amazon mua lại nhà sản xuất robot hút bụi iRobot trước ngày 15 tháng 11 hay không.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các nhà quản lý của Liên minh Châu Âu đã mở một cuộc điều tra chính thức về đề xuất mua lại iRobot trị giá 1,7 tỷ đô la của Amazon, công ty đứng sau dòng máy hút bụi robot nổi tiếng Roomba.

Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban châu Âu cho biết họ quan tâm rằng “giao dịch sẽ cho phép Amazon hạn chế cạnh tranh trên thị trường máy hút bụi rô-bốt và củng cố vị thế là nhà cung cấp thị trường trực tuyến của mình".

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager, cho biết EU lo ngại rằng thông qua việc mua lại iRobot, Amazon có thể ngăn chặn các đối thủ của iRobot tiếp cận thị trường của mình. Bên cạnh đó, bà Vestager cho biết EU cũng sẽ điều tra xem liệu Amazon có sử dụng các dữ liệu mà iRobot thu thập được để tăng cường vị thế của mình hay không.

Người phát ngôn của Amazon Alexandra Miller cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban Châu Âu và tập trung vào việc giải quyết các câu hỏi của họ cũng như bất kỳ mối lo ngại nào đã được xác định ở giai đoạn này. “iRobot, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp máy hút bụi khác, cung cấp các sản phẩm thiết thực và sáng tạo. Chúng tôi tin rằng Amazon có thể cung cấp cho một công ty như iRobot các nguồn lực để tăng tốc đổi mới và đầu tư vào các tính năng quan trọng đồng thời giảm giá cho người tiêu dùng".

Tuyên bố trên của EU được đưa ra sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh đã phê duyệt thương vụ trên vào tháng trước. Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra quyết định về việc liệu họ có chặn thỏa thuận này trước ngày 15 tháng 11 hay không.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Amazon đã ký thỏa thuận mua lại iRobot, một trong những nhà sản xuất robot hút bụi lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này được định giá khoảng 1,7 tỷ USD.

Việc mua lại nhà sản xuất robot hút bụi iRobot đánh dấu thương vụ lớn tiếp theo của Amazon, sau khi mua chuỗi cửa hàng tạp hóa Whole Foods vào năm 2017, mua hãng sản xuất phim MGM vào năm ngoái và mua lại nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế One Medical vừa được công bố vào tháng trước.

iRobot, được thành lập vào năm 1990 bởi các nhà robot học của Viện Công nghệ Massachusetts, được biết đến nhiều nhất với việc chế tạo Roomba, dòng robot hút bụi được ra mắt vào năm 2002 có thể tự động làm sạch sàn nhà của người tiêu dùng.

Đầu năm 2022, công ty đã ra mắt phiên bản iRobot OS mới nhất, một nền tảng được hỗ trợ bởi AI cho robot hút bụi và cây lau nhà. Hệ điều hành này giúp Roomba có được lợi thế cạnh tranh vượt bậc so với các đối thủ nhờ tính năng trợ lý ảo, trong bối cảnh thị trường robot hút bụi ngày càng mở rộng.

Việc Amazon mua lại iRobot, nhà sản xuất máy hút bụi tự động Roomba, nhằm mục đích mở rộng các tham vọng của công ty này trong mảng trí tuệ nhân tạo và nhà thông minh.

Cuộc điều tra của EU diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý đang giám sát quy định chặt chẽ hơn đối với các vụ mua lại Big Tech. Một thập kỷ trước, Meta (khi đó được gọi là Facebook) đã có thể thâu tóm Instagram và WhatsApp với tương đối ít sự giám sát, nhưng ngày nay, ngay cả những thương vụ mua lại tương đối khiêm tốn cũng đang thu hút sự giám sát gắt gao. 

Thu Hà (T/h)