
Lùi thời gian áp dụng Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 72/2022/TT-BTC ngưng hiệu lực của Thông tư số 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (Danh mục 2022). Theo đó, Bộ Tài chính vừa quyết định lùi thời gian áp dụng Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam mới đến 29/12, thay vì 1/12 như trước đây.
Trong thời gian ngưng hiệu lực của Thông tư 31/2022/BTC, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định tại Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và Thông tư 09/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư 65/2017/TT-BTC tiếp tục có hiệu lực thi hành.
Để triển khai thực hiện các quy định, Tổng cục Hải quan đã phát đi công văn yêu cầu các đơn vị nhanh chóng thông tin rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp đang thực hiện đăng ký thủ tục hải quan tại địa bàn quản lý.

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thay thế Thông tư 65/2017/TT-BTC và Thông tư 09/2019/TT-BTC.
Danh mục 2022 gồm 21 phần, 97 chương, 1.228 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.084 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 11.414 dòng hàng ở cấp độ 8 số (tăng 601 dòng hàng so với Danh mục 2017).
So với Danh mục 2017 và Danh mục 2019, Danh mục 2022 tập trung vào việc cập nhật những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, thương mại của một số nhóm hàng để phù hợp với tình hình thực tế, bao gồm các ngành hàng thủy sản, thực phẩm chế biến, thuốc lá, hóa chất, dược phẩm, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, tác phẩm nghệ thuật...
Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), Danh mục 2022 tuân thủ hoàn toàn Danh mục HS phiên bản 2022 ở cấp độ 6 số và Danh mục AHTN phiên bản 2022 ở cấp độ 8 số.
Ngay sau khi Thông tư 31/2022/TT-BTC được ban hành, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới tại Danh mục 2022 đến các đơn vị trong toàn ngành. Mặc dù vậy, để đảm bảo việc tổ chức thực hiện hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kịp thời nắm bắt những thay đổi tại Danh mục 2022 để tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cụ thể cho cán bộ công chức thừa hành và doanh nghiệp.
Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp khai báo theo Danh mục 2022 để tránh thiếu thông tin dẫn tới phân loại sai, không chính xác. Trong đó, cán bộ công chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế khai báo theo quy định tại Quy trình 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018. Trường hợp có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.
T.H
Cùng chuyên mục


Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào cuối năm 2023

Loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2023

Người sở hữu ô tô cần lưu ý quy định mới có hiệu lực trong năm 2023

Quy định mới về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức

Bộ Tài chính muốn tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất 2023
-
TS. Phan Đức Hiếu: Những kết quả tích cực đạt được năm 2022 sẽ tạo đà tốt cho năm 2023
-
TS Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp bất động sản cần thúc đẩy số hóa, cấu trúc lại nguồn vốn
-
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME: Mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp vẫn là dẫn vốn cho nền kinh tế
-
Mở rộng đổi mới sáng tạo: Thách thức đáng để giải quyết
-
Đâu là nút thắt cản trở sự hồi phục của du khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm này?