Liệu có "điểm nghẽn" trong thoái vốn Nhà nước tại các DN?

00:00 12/10/2020

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn Nhà nước tại các DN không được theo kế hoạch, và không được như kỳ vọng.

 Việc chậm thoái vốn Nhà nước tại Habeco là do vướng hợp đồng với Carlsberg

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 ngày 2/6, PV báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sau những thương vụ thoái vốn rất thành công cuối năm ngoái và đầu năm nay, điển hình là Vinamilk, Sabeco thì cảm giác như trong quý II vừa rồi, công tác thoái vốn và cổ phần hóa gần như dừng lại khi không có một thương vụ nào được thực hiện. 

Một minh chứng rõ nhất là vụ Habeco. Đến nay công tác thoái vốn ở Habeco dường như vẫn chưa có một tiến triển nào. Vậy nguyên nhân vì sao? và có phải tiến trình thoái vốn đang chững lại do những quan điểm khác, ví dụ như là sợ mất thương hiệu hay bán với giá nào hay không?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các DN có vốn của Nhà nước là chủ trương nhất quán và thường xuyên từ Thủ tướng cho đến các lãnh đạo của Chính phủ, trực tiếp nhất là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo việc thoái vốn. Hiện việc này đang được tiến hành rất tích cực. Về tổng thể chung của việc thoái vốn, Bộ Công Thương sẽ đưa ra các đánh giá của mình. 
Đối với việc thoái vốn của Công ty Habeco, hiện nay cũng có một số lý do dẫn đến việc thoái vốn không được theo kế hoạch và không được như kỳ vọng.
"Thứ nhất là rất nhiều chính sách hiện nay của chưa đồng bộ, cho nên khi thực hiện việc thoái vốn, còn có những vướng mắc nhất định. Thứ hai đó là quan điểm của các cơ quan về một vấn đề nhiều khi cũng còn có những khác nhau. Thứ ba, cũng là ý kiến chủ quan của tôi, có thể một số cơ quan, kể cả bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN theo đúng chỉ đạo", Thứ trưởng Hải nhìn nhận.
Vị Thứ trưởng ngành Công Thương cho biết thêm, điểm vướng mắc lớn nhất hiện nay là hợp đồng đã ký kết của Habeco với Carlsberg. 
"Khi chúng ta thực hiện thoái vốn thì đầu tiên phải ưu tiên cam kết giữa hai DN Habeco và Carlsberg, phải ưu tiên họ trước trong việc mua cổ phần của Nhà nước. Đây là vấn đề mà Bộ Công Thương đã phải lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất đối với DN này cũng như các DN khác mà ngành Công Thương đang phải thực hiện, sẽ thực hiện theo chỉ đạo và lộ trình thoái vốn cũng như cổ phần hóa mà Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo đã giao", Thứ trưởng Hải nói.

Văn Sinh