Ngày 11/5/2023, tại phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 của QH khóa 13, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Điểm mới là đã bổ sung quy định: Những người có tín nhiệm thấp, phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức-miễn nhiệm, hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa cho đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp", thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội-HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Ông Nguyễn Đình Quyền Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá: “Những người có tín nhiệm thấp trên 50% tức là rất có vấn đề. Cho nên đối với những người có tín nhiệm thấp trên 50% thì rõ ràng 1 là phải yêu cầu họ xem xét để từ chức. Bởi vì họ không có tín nhiệm trong lĩnh vực đó và họ không thể đảm nhiệm tiếp vị trí đó được”.
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn phải tuân thủ theo quy định lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình hoạt động của tổ chức Quốc hội; căn cứ theo Quy định 96 ngày 02/02/2023 vừa mới đây của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Đại biểu Quốc hội coi đây là trách nhiệm cần phải đề cao. Điều quan trọng nhất là bằng lá phiếu của mình, phải góp phần đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của Quốc hội và kể cả cử tri và nhân dân với tư cách là người đại diện.
Lấy phiếu tín nhiệm lần này, cần phải tỏ rõ chính kiến của Đại biểu Quốc hội thông qua nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã thực hiện nhiệm vụ cử tri và Quốc hội giao như thế nào và đạo đức, lối sống như thế nào.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng: “Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là là bước để cảnh tỉnh cảnh báo, là xúc tác để những người hiện nay năng lực, phẩm chất còn đang yếu kém, giữ những vị trí quan trọng và đặc biệt quan trọng cần phải suy nghĩ và hành động cho xứng đáng. Giả sử thấy mình không có năng lực, phẩm chất thì cần phải dũng cảm để rút lui. Theo ngôn ngữ của Tổng Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ là "Hãy đứng sang một bên để cho người khác người ta đảm nhiệm cái chất, cái chức vụ đó để người ta hoạt động, vì nước, vì Đảng, vì dân”.
Nhiều chuyên gia bày tỏ, điều khiến họ cảm thấy đau lòng nhất chính là biểu hiện của một số cán bộ tha hóa, biến chất, chạy theo tự tư, tự lợi, vì lợi ích của cá nhân, của gia đình mà đánh đổi lợi ích chung, sai phạm của cá nhân họ làm ảnh hưởng đến uy tín của tập thể, tổ chức. Chuyện này vốn đã tồn tại, không ít, diễn ra âm ỉ “trong bóng tối”. Hiện tại, do cơ chế chính sách và phương thức thực hiện kỹ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn, cho nên các vụ việc tiêu cực mới bị phát hiện nhiều hơn. Điều đó, chứng tỏ công tác chống tham nhũng, tiêu cực bây giờ đang tích cực, hiệu quả hơn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần trong việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, góp phần chỉ ra những biểu hiện tiêu cực mà có thể trước đó chưa được nêu ra, chưa bị phát hiện.
Theo các đại biểu, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là dịp để những người có chức vụ quyền hạn được Quốc hội bầu và phê chuẩn tự nhận thấy ưu, khuyết điểm của bản thân và những điều cần phải phấn đấu, tu dưỡng. Để họ nhìn lại vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình đã làm đến đâu, cần tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc. Mặt khác, tổ chức cũng thông qua đó động viên, hỗ trợ giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều này cũng phải đáp ứng sự mong đợi của cử tri, thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là có tác dụng tích cực, qua phiếu tín nhiệm để thấy sự đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp. Đặc biệt, cần có cơ chế phát hiện trong xã hội những người có tài năng, đức độ, có đủ phẩm chất để có thể sẵn sàng thay thế những người có năng lực, phẩm chất yếu kém, thoái hóa biến chất.
Các đại biểu cũng mong rằng, Quốc hội thông qua việc chủ động theo dõi, giám sát của Đại biểu Quốc hội, sẽ giúp sức cho việc xây dựng, bồi dưỡng, bố trí một đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ. Và cũng theo cách làm của Quốc hội, mỗi tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị hãy làm tốt nhiệm vụ lấy phiếu tín nhiệm ở cơ quan đơn vị mình, để “chung lưng đấu cật” với cuộc đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước trong giai đoạn ngày nay. Chỉ có như vậy, xã hội mới phát triển, khát vọng hùng cường và thịnh vượng của đất nước Việt Nam theo mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng mới có thể thực hiện thành công.
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu và phê chuẩn, sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Dự kiến khoảng 50 chức danh sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh: Chủ tịch nước. Phó chủ tịch nước. Chủ tịch Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội. Thủ tướng Chính phủ. Các Phó Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ. Chánh án TAND tối cao. Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Với HĐND, sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch-Phó Chủ tịch HĐND. Trưởng ban của HĐND. Chủ tịch UBND. Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND. Với những người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm...sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là công khai, công bằng, dân chủ, khách quan, minh bạch. Dự thảo Nghị quyết nghiêm cấm hành vi làm sai lệch mức độ tín nhiệm, hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...đế làm giảm uy tín của người khác, gây mất đoàn kết nội bộ.
Linh Anh