Lào Cai: Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động

15:56 23/11/2023

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp hàng nghìn lao động bớt khó khăn trước khi tìm được công việc mới từ hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai ( thuộc Sở LĐTB-XH thỉnh Lào Cai).

Bà Nguyễn Thị Lan (trú tại TP Lào Cai) sau nhiều năm công tác nay nghỉ việc đã tìm đến Trung tâm để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bà nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp do Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai ký với số tiền 2,67 triệu đồng/tháng, hưởng trợ cấp 12 tháng. 

Bà Lan cho biết, mặc dù đã có tuổi nhưng mong muốn vẫn tiếp tục làm việc tuy nhiên tình hình công ty gặp khó khăn nên người lao động phải nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Trong thời gian chưa tìm được việc làm mới nên tôi đã làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền này sẽ giúp gia đình tôi một phần trong giai đoạn khó khăn. 

Ảnh minh họa

Lao đông đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm với các ngành nghề phù hợp với trình độ.

Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai, người lao động đến nhận bảo hiểm thất nghiệp đa số mong muốn sớm tìm được việc làm. Cán bộ tại Trung tâm cũng nhiệt tình tư vấn, giới thiệu việc làm mới, hỏi han, động viên người lao động để sớm có việc làm phù hợp với nhu cầu.

Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai cho biết: “Trung tâm thường xuyên đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về lao động, việc làm, học nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các huyện, thành phố có nhiều lao động và doanh nghiệp hoạt động như Thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà để giới thiệu các đơn hàng tuyển dụng việc làm và tư vấn học nghề. Liên hệ và làm việc với các đơn vị dạy nghề để giới thiệu học nghề cho lao động thất nghiệp và lao động có nhu cầu, tổ chức tốt các phiên Giao dịch việc làm tại trung tâm và các huyện; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội.

Ảnh minh họa

Ngày hội giới thiệu việc làm do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai tổ chức nhằm kết nối doanh nghiệp với người lao động. Ảnh: Kim Tuyến.

Cũng theo ông Trương Hồng Trường, Lào Cai là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí thấp, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Có những lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến chế độ được hỗ trợ: học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm.

Nhiều người lao động không có nhu cầu tìm việc qua Trung tâm mà tự tạo việc làm ở gia đình. Một số nghề người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học thì trên địa bàn tỉnh lại không thường xuyên mở lớp, do số lượng đăng ký học không nhiều để mở đủ lớp. Khi có lớp thì họ lại hết thời gian được hỗ trợ học nghề. Đặc biệt, người lao động có việc làm mới nhưng chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về việc việc ký hợp đồng lao động dẫn đến việc người lao động đến thông báo có việc làm không đúng thời gian quy định (không thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc).

“Để triển khai tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐTBXH đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp để phát hiện sớm những sai sót về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các phòng ban của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu việc làm trống cho người lao động bị mất việc làm đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm đến với người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là các đơn vị, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức như báo đài, tờ rơi, pa nô...”, ông Trường cho biết.

Với hơn 70% lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng sâu, ngoài vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, việc hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số cũng được tỉnh Lào Cai hết sức quan tâm.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh Lào Cai đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 10/7/2022 quy định mức chi hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế ho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó quy định: Hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế (ngoài 70% mức đóng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại điểm b Khoảng 1 Điều 8 Nghị định số 146/2012/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) cho đối tượng người thuộc gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó hàng năm, tỉnh Lào Cai đã thực hiện hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 8.000 đối tượng hộ cận nghèo.

Với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Lào Cai đã đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT là 91,88% (tăng 1,82% so với tháng 9/2023), riêng chỉ tiêu BHYT học sinh đạt 96,56% (tăng 2,05% so với tháng 9/2023). Trong tháng 12/2023 BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, đảm bảo chất lượng trong thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2023; qua đó từng bước thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Số trường hợp còn lại Bảo hiểm xã hội tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Hội Người cao tuổi, các Hội Đoàn thể, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo Nghị quyết để kịp thời cấp phát thẻ bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân đúng quy định.
Chính sách bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Việc ban hành Nghị quyết giúp người dân có lộ trình dần dần để thích ứng với việc dành một phần thu nhập để chi tiêu cho mua thẻ bảo hiểm y tế, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe, góp phần tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Phạm Ninh