Xin ông chia sẻ quan điểm, đóng góp cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về vấn đề kinh tế, doanh nghiệp?
Có thể nói rằng, Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII được Trung ương chuẩn bị rất công phu, chu đáo; bố cục chặt chẽ, khoa học. Nội dung các Dự thảo văn kiện thể hiện quan điểm đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu 5, 10 năm tới và tầm nhìn 2045. Văn phong mạch lạc, ngắn gọn, sâu sắc, làm rõ nhiều vấn đề lớn, trọng tâm của đất nước, từng lĩnh vực của đời sống - xã hội, nhất là đã nêu bật được những thành tựu đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đối với lĩnh hoạt động kinh tế, doanh nghiệp, điểm nổi bật trong Dự thảo văn kiện Chính trị trình Đại hội XIII lần này có những đột phá mới trong nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Theo tôi, nếu so với Báo cáo Chính trị Đại hội XII cách đây 4 năm, thì Dự thảo lần này có những đánh giá ghi nhận mới, khách quan, công bằng và cụ thể hơn, rõ ràng hơn đối với khu vực kinh tế tư nhân: Khu vực kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... Đồng thời Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng: Đến năm 2030 là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu này, Dự thảo văn kiện cũng nhấn mạnh yếu tố, vai trò của kinh tế tư nhân, trong đó có những điểm mới, cụ thể, rõ ràng, ví dụ: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò lớn đối với sự phát triển đất nước, trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế, đóng góp lớn cho GDP của quốc gia, nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân kinh tế tư nhân và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước rào cản về thể chế với kinh tế tư nhân. Trong đó vẫn còn có sự phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt phân biệt vai trò giữa doanh nghiệp Nhà nước và Doanh nghiệp tư nhân. Ở đâu đó vẫn còn tư tưởng bên trọng, bên khinh, coi trọng doanh nghiệp Nhà nước, xem nhẹ tư nhân, xem doanh nghiệp, doanh nhân ngoài nhà nước như những “con buôn, con phe”, chưa đánh giá hết những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân.
Từ những quan điểm trên, đề nghị với khối công chức, viên là cơ quan thực thi nhiệm vụ của chính quyền thay đổi nhận thức, coi nhân dân và doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ. Khi phục vụ thì tập trung hướng dẫn, giải thích và thực thi chính sách pháp luật.
Lâu nay Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, rút quy trình nhưng chưa đạt yêu cầu phát triển xã hội, luật pháp còn chồng chéo, Thông tư, Nghị định hướng dẫn trái luật, không có sự thống nhất, đồng đội, có lợi cho nhóm lợi ích, không vì mục đích nhân dân, doanh nghiệp và quốc gia.
Tôi đề nghị Nghị quyết Đại hội có chủ trương rõ, cụ thể, định hướng để Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thực hiện các giải pháp bứt phá mạnh mẽ, rút ngắn tối đa quy trình thực hiện dự án để doanh nghiệp yên tâm tập trung đầu tư, triển khai dự án. Bởi trên thực tế có dự án phải thực hiện trên dưới 100 quy trình thủ tục, phải mất 2-3 năm mới xong.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, Đảng cần tiếp tục tuyên truyền và có chính sách ưu tiên nguồn lực tích cực để phát triển kinh tế tư nhân, những gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì doanh nghiệp nhà nước nên nhường lại để doanh nghiệp tư nhân làm, còn các cơ quan bộ, ngành chỉ còn phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thậm chí, nhiều lĩnh vực, dịch vụ công mà nhà nước đang độc quyền cũng có thể cân nhắc, lựa chọn để doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Kì vọng của ông vào đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII?
Thứ nhất, tôi kỳ vọng, Đại hội Đảng XIII là Đại hội của sức mạnh đoàn kết, thống nhất và dân chủ. Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn ra những người có đủ năng lực, trình độ, đạo đức, trách nhiệm, hết lòng vì nhân dân để đưa đất nước gặt hái nhiều thành tựu vẻ vang trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ hai, Nghị quyết Đại hội lần này cần thể hiện rõ việc tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp được thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Quan tâm đặc biệt đối với những cán bộ thực thi nhiệm vụ của bộ máy nhà nước đảm bảo đúng phương châm “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, ứng dụng công nghệ 4.0 vào thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian cho dân. Từ đó, đảm bảo những quyết sách được đi đúng hướng, đúng đường lối đã đề ra, để doanh nghiệp được tự do lớn mạnh và cống hiến.
Thứ ba, từ những năm xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp cho đến nay, các văn kiện của Đảng luôn xác định nền tảng đó là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân luôn đặt câu hỏi: Vậy vị trí và vai trò của tầng lớp doanh nhân ở đâu khi chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường?
Thực tế, với những đóng góp của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước trong thời gian qua, tầng lớp doanh nhân ngày nay được ví như “người lính, người xung kích trong thời bình”, là “lực lượng chủ lực của nền kinh tế”, là “nhân vật trung tâm của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà”, “Doanh nhân là trụ cột của phát triển kinh tế tư nhân”… Các cụm từ ấy nói lên tầm quan trọng của doanh nhân đối với đất nước, và dân tộc nhưng chưa xác định tầng lớp này có vai trò gì trong khối đại đoàn kết dân tộc, có nằm trong nền tảng liên minh với công-nông-trí thức không hay chỉ là thành phần phụ thuộc?
Thời gian qua, liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức và doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hình thành trong thực tế và ngày càng gắn bó. Có thể nói trong liên minh các giai cấp và tầng lớp làm nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà thiếu tầng lớp doanh nhân thì không phù hợp với thực tế và không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, tôi hy vọng rằng, Đại hội Đảng lần này tiếp tục bàn thảo và xác định rõ hơn vị trí và vai trò của tầng lớp doanh nhân trong khối liên minh công nông, từ đó động viên, khuyến khích doanh nhân có đóng góp nhiều hơn nữa trong thời kỳ đất nước đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá-hiện đại hoá theo đường lối đổi mới của Đảng, đồng thời góp phần phát huy cao hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hiền