Kỳ lân công nghệ Grab vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lợi nhuận sau thuế 11 triệu USD. Đây là quý đầu tiên công ty có lãi sau hơn 10 năm hoạt động. Cùng kỳ, doanh nghiệp này lỗ tới 391 triệu USD.
Trước đó, vào quý III/2023, Grab đã đạt điểm hòa vốn với khoản lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) đạt 29 triệu USD, dù vẫn lỗ 99 triệu USD sau thuế.
Lũy kế cả năm, Grab đạt 2,4 tỷ USD doanh thu, tăng 65% so với năm 2022. Khoản lãi nói trên giúp Grab thu hẹp khoản lỗ cả năm 2023 còn 485 triệu USD, so với khoản lỗ hơn 1,7 tỷ USD vào năm 2022.
Cụ thể, trong riêng quý IV/2023, Grab đạt 653 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Công ty lỗ hoạt động 46 triệu USD sau khi trang trải các chi phí trong kỳ. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính 42 triệu USD, Grab đã có lãi 11 triệu USD trong quý IV/2023.
Vào thời điểm cuối năm 2023, Grab vay nợ gần 800 triệu USD, trong khi số dư tiền và tương đương tiền của công ty tại cùng thời điểm là trên 3,1 tỷ USD, tăng hơn gấp rưỡi sau một năm.
Lũy kế cả năm, Grab đạt 2,4 tỷ USD doanh thu, tăng 65% so với năm 2022. Trong năm 2023, Grab đã cắt giảm đáng kể các chi phí hoạt động, giúp khoản lỗ cả năm còn 485 triệu USD. Năm 2022, Grab lỗ tới 1,7 tỷ USD.
Trong năm qua, giao hàng vẫn là mảng hái ra tiền của siêu ứng dụng này, với doanh thu đạt gần 1,2 tỷ USD, đóng góp 51% tổng doanh thu của công ty. Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển giảm tỷ trọng từ mức 48% xuống còn 37% sau một năm.
“Nếu bạn nhìn vào hoạt động kinh doanh giao hàng, chúng tôi có mức tăng trưởng kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi hiện có nhiều người dùng hơn trên nền tảng của mình và họ chính là động lực mạnh mẽ", ông Peter Oey - Giám đốc Tài chính của Grab chia sẻ trên chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC ngày 23/2.
Grab đã đạt được lợi nhuận cốt lõi (sau khi điều chỉnh) lần đầu tiên , nhờ việc cắt giảm lực lượng lao động và cắt giảm một số ưu đãi cũng như chi phí công nghệ trong hai năm qua.
Grab cũng dự kiến lợi nhuận cốt lõi được điều chỉnh cả năm từ 180 triệu USD đến 200 triệu USD, so với ước tính là 135,2 triệu USD.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng về dịch vụ gọi xe của công ty có trụ sở tại Singapore này đã đạt mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2023, song dịch vụ giao đồ ăn mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi sau giai đoạn bị phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc Tài chính Grab Peter Oey cho hay, doanh thu sẽ tăng dần trong những năm sau năm 2024 khi các khoản đầu tư vào các sản phẩm mới của công ty mang lại kết quả.
Ông cho biết, Grab đang xây dựng các dịch vụ cao cấp cho dịch vụ di chuyển và giao hàng mà có thể tạo ra các giao dịch có giá trị cao.
Năm nay, Grab dự kiến doanh thu có thể đạt từ 2,7 tỷ USD đến 2,75 tỷ USD, thấp hơn mức đồng thuận của các nhà phân tích tại LSEG là 2,8 tỷ USD.
Dù dẫn đầu thị trường gọi xe và giao hàng ở Đông Nam Á, Grab vẫn chưa đạt được thu nhập ròng do buộc phải tiếp tục chi tiêu để cạnh tranh với các đối thủ như GoTo của Indonesia.
Kể từ khi thành lập vào năm 2012, công ty có trụ sở tại Singapore này đã mở rộng nhanh chóng khắp Đông Nam Á. Điều đó đã dẫn đến thua lỗ ngày càng lớn cho Grab, khi công ty phải chi mạnh tay để thu hút tài xế và người dùng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như GoTo và Sea Ltd
Trong những năm đầu kinh doanh, các công ty khởi nghiệp công nghệ có xu hướng ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận, điều này thường đồng nghĩa với việc "đốt" rất nhiều tiền mặt. Nhưng với những bất ổn vĩ mô toàn cầu đang làm chậm tốc độ tăng trưởng, họ buộc phải đổi mới, tập trung vào lợi nhuận và thận trọng hơn với chi phí.
Bên cạnh báo cáo tài chính với kết quả khởi sắc, Grab cũng lần đầu tiên công bố sẽ mua lại số cổ phiếu phổ thông loại A trị giá tới 500 triệu USD.
Dù vậy, cổ phiếu của Grab đóng cửa phiên 22/2 vẫn giảm 8,41% về mức 3,16 USD/đơn vị. So với thời điểm mới niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) vào cuối năm 2021, thị giá mã này đã giảm mạnh 76%.
Phương Anh (t/h)