Kinh tế tổn hại nghiêm trọng, khó lòng vực dậy trong cuối năm

12:57 15/11/2021

Chuyên gia Tài chính Ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra những đánh giá khách quan về tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và "sức khỏe" của các doanh nghiệp nói riêng sau đợt bùng phát dịch thứ tư.

Bức tranh “u ám”

Việt Nam vừa trải qua đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương mở cửa lại sau thời gian giãn cách xã hội dài chưa từng có. Kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy về kinh tế khiến cả doanh nghiệp và Chính phủ đều hết sức căng thẳng.

Đánh giá về “bức tranh” chung hiện nay, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Tình hình kinh tế của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý III giảm hơn 6% so với quý II. Đây là hiện tượng rất đáng quan tâm cho thấy kinh tế đang bị tác động rất mạnh bởi dịch bệnh". 

Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, về phía các doanh nghiệp (DN), trong 10 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng hơn 10 nghìn DN tạm ngưng hoạt động, phá sản hoặc giải thể. Trong đó, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong 10 tháng đầu năm 2021 là 13.608 doanh nghiệp (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 34.994 doanh nghiệp (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020); doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là 48.487 doanh nghiệp (tăng 16 % so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 49,9% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).

“Đây là hiện tượng rất nghiêm trọng, cứ thế này thì cả năm nay sẽ có hàng trăm nghìn DN phá sản, ngưng hoạt động” – Tiến sĩ nhận định.

Sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài liên tiếp đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong quý III/2021. Nhiều nhà máy sản xuất phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa, doanh nghiệp không tiếp cận được với khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh. Khó khăn liên tiếp làm cho nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp bị bào mòn, dần cạn kiện.

Quý III năm 2021 (thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất), số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 51,3% so với quý trước và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký mới giảm 48,8% so với quý trước và giảm 65,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng đã gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

“Thực trạng trên cho thấy tình hình kinh tế cả vĩ mô và vi mô của các doanh nghiệp đều đang bị tác động rất mạnh mẽ, rất yếu kém so với năm ngoái” – ông Hiếu nhấn mạnh. 

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể vì kiệt quệ dòng tiền
Hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể vì kiệt quệ dòng tiền.

Chưa thể phục hồi

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra dự báo: Từ giờ cho tới cuối năm, nền kinh tế tiếp tục bị tác động bởi những yếu tố đã tác động rất mạnh liên quan tới dịch bệnh như: Hàng loạt DN ngưng hoạt động, phá sản; người lao động bỏ về quê; chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn nhỏ giọt.

Đợt dịch này tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát đến hết quý III/2021, quá trình tiêm vaccine chậm triển khai và chỉ đạt mức miễn dịch cộng đồng vào quý III/2022, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội. Tuy các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1-5,3%.

“Tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi nhiều. Có lẽ chúng ta không thể kỳ vọng Chính phủ từ nay tới cuối năm sẽ có những gói hỗ trợ rất lớn cho người lao động và DN. Chính vì thế tăng trưởng kinh tế của năm nay có thể chỉ tương đương năm ngoái hoặc thấp hơn. Năm ngoái tăng trưởng GDP của Việt Nam đã ở mức rất thấp so với 10 năm trước đó” – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Đánh giá là như vậy nhưng với những gì Chính phủ và các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện, kỳ vọng sang năm 2022, nền kinh tế của Việt Nam sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Hà Linh