Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) của Thủ tướng Chính phủ, chiều 5/4/2024 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Cải cách cơ chế chính sách, thủ tục hành chính (Ban I) - Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ.
Buổi họp do ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Trưởng Ban I; ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng và ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Phó trưởng Ban I chủ trì. Cùng với đó là sự tham dự của đại diện các Hiệp hội là thành viên Ban I.
Nhìn nhận về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2024, Ban I - Hội đồng tư vấn CCTTHC cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng tốt, đạt 5,66%, đây là mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 từ năm 2020 đến nay. Tuy chưa bằng thời điểm cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng mức tăng trưởng này là kết quả cho những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.
Kết quả đạt được dựa vào các động lực tăng trưởng chủ đạo như tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, thúc đẩy đầu tư công và thu hút vốn FDI đạt tốt, cầu tiêu dùng, du lịch tăng trưởng ổn định và thể chế, chính sách tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Ở khu vực doanh nghiệp, cả nước đã có 59,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tuy nhiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp. Đây cũng thể hiện một bức tranh khác đáng quan tâm khi cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn vốn khó tiếp cận, chi phí tăng cao, đơn hàng cạnh tranh và tâm lý lo ngại đầu tư.
Trước những vấn đề đặt ra nêu trên, các thành viên của Ban I đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên. Đồng thời tích cực tham mưu với Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì và ban hành cơ chế mới khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư FDI.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Thân - Trưởng Ban I thông qua một số báo cáo của các Hiệp hội thành viên về tình hình hoạt động 3 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam đã tham gia góp ý với các Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng, Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư...; đã tham gia với tư cách đồng chủ tịch cùng VCCI tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh"; đồng thời tích cực tham gia ý kiến tại các hội nghị về chính sách của các cơ quan trung ương.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc cũng tham gia nhóm tư vấn cùng Đại sứ quán Anh Quốc và City UK xây dựng báo cáo tư vấn xây dựng Việt Nam thành trung tâm tài chính khu vực trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo, Cơ quan Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội đã làm việc với UBND và Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy phép đầu tư cho dự án của Công ty Ecotech; làm việc với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương để giải quyết vướng mắc liên quan đến xin cấp Giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Công ty KHVatec.
Bên cạnh đó, KOTRA phối hợp cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, tổ chức các buổi đối thoại để lắng nghe ý kiến và hỗ trợ các vấn đề về đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong buổi đối thoại với Bộ Tài chính tháng 2 vừa qua, KOTRA cùng một số đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã thảo luận một số vướng mắc liên quan đến việc hưởng ưu đãi đối với dự án trong khu công nghiệp; thời điểm kê khai hóa đơn GTGT đầu vào; Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư mở rộng: Chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; việc nộp thuế của các doanh nghiệp trong khu chế xuất phi thuế quan; hoàn thuế VAT liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ...
KOTRA còn tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với các doanh nghiệp Hàn Quốc về khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, quy định pháp lý đầu tư; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức đoàn công tác làm việc tại từng dịa phương nhằm trao đổi các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với lãnh đạo các sở, ban, ngành. Trong đó có thể kể tới một số vấn đề trọng tâm như: Chế độ tiền hỗ trợ do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cơ chế tiếp nhận và giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có nhiều hoạt động tích cực như: Hỗ trợ doanh nghiệp thành viên trong các vấn đề liên quan tới chính sách, thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh qua 25 công văn phản ánh, kiến nghị gửi đến các Bộ, cơ quan liên quan. Công văn phản ánh, kiến nghị của EuroCham và các Tiểu ban Ngành nghề thuộc EuroCham tập trung vào 02 chủ đề: Ý kiến và khuyến nghị nhằm tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp; đề nghị các cuộc gặp gỡ, đối thoại chính thức với cơ quan ban ngành liên quan nhằm nâng cao hợp tác, phát triển giữa Hiệp hội và cơ quan ban ngành liên quan.
EuroCham đã tổ chức và tham gia 33 hội nghị/ hội thảo và đối thoại, tiêu biểu là Lễ ra mắt Sách trắng 2024 - sự kiện thường niên do EuroCham tổ chức, công bố ấn phẩm Sách trắng tập hợp các góp ý và khuyến nghị phát triển ngành của 19 Tiểu ban Ngành nghề. Hiệp hội đã đồng chủ trì cùng HĐTV đối thoại với các Bộ, ngành liên quan về các chủ đề trọng tâm như: Hải quan (Xuất nhập khẩu tại chỗ); phát triển xanh (năng lượng tái tạo); phát triển ngành dược và trang thiết bị y tế.
EuroCham cũng khuyến nghị chính sách trọng tâm của Hiệp hội tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp Cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) (ngày 19/3/2024); đối thoại với UBND TP Hồ Chí Minh về định hướng phát triển xanh cho Thành phố.
EuroCham cũng tích cực tham gia nhiều hội thảo và đối thoại chuyên đề, tập trung vào các ngành/ lĩnh vực như: Trao đổi chuyên sâu giữa các Tiểu ban của Hiệp hội và cấp kỹ thuật từ các Cơ quan quản lý nhà nước; hoặc chia sẻ kiến thức và góc nhìn chuyên môn của doanh nghiệp thành viên với cộng đồng doanh nghiệp và các cấp quản lý Nhà nước.
Là tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã tham gia góp ý vào 10 dự thảo quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành theo yêu cầu được gửi tới Hiệp hội; tham gia các hội thảo chuyên đề về đề xuất các sáng kiến giải pháp CCTTHC, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp và các tinh thành, địa phương.
VINASME cũng tổng hợp phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp và dễ xuất giải pháp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Nghị định 83/2014/ND - CP và Nghị định 95/2021/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu.
Trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, VINASME đã đẩy mạnh phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (IDEA) triển khai chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử, trên cơ sở dó Hiệp hội giao Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa là đơn vị đầu mối triển khai chương trình này trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm hỗ trợ DNNVV hội viên thúc đẩy chuyển đổi số, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng TMĐT. Đặc biệt, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nhiều hội thảo, đối thoại chuyên sâu về pháp luật kinh doanh thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trên cơ sở chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thân đã nêu hai vấn đề cần tập trung: Nhận diện về các rào cản thủ tục, cơ chế, pháp lý và đề xuất giải pháp tháo gỡ thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo để báo cáo Chính phủ vào tháng 8/2024.
Thứ hai là vấn đề nhận diện các rào cản thủ tục, cơ chế, pháp lý và đề xuất kiến nghị giải pháp tháo gỡ thúc đẩy trong lĩnh vực ngân hàng, báo cáo Chính phủ vào tháng 9/2024. Làm rõ trọng tâm vấn đề ngân hàng theo câu hỏi của đại diện Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Thân cho biết đó là tiệm cận vốn ngân hàng. Thực tế ngân hàng đang dư tiền nhưng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiệm cận được. Tiếp đó là vấn đề thu hút nguồn vốn trong dân, cần có mức lãi suất ưu đãi để huy động vốn nhàn rỗi trong dân.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định: "Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, làm sao để có tiếng nói kịp thời nhất để ra chính sách nhanh nhất, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp".
Sau khi lắng nghe các kiến nghị từ đại diện các thành viên, ông Nguyễn Văn Thân - Trưởng Ban I cho biết, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, báo cáo cấp trên để sớm hoàn thiện báo cáo chung, tập trung vào những vấn đề trọng tâm để trình lên Thủ tướng.
Linh Anh