Kiến nghị gỡ khó doanh nghiệp trong kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa

15:04 13/07/2022

Phát biểu tham luận tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Tập đoàn BĐS Đông Á nêu lên một số kiến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa

Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Tham gia kỳ họp, ông Đoan bày tỏ vui mừng với những con số nổi bật về: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm, thu ngân sách nhà nước, số doanh nghiệp thành lập mới… của tỉnh Thanh Hoá thời gian qua. 

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn dẫn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đa số bị đình trệ, nhiều ngành nghề mũi nhọn gần như tê liệt, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Chính vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía doanh nghiệp. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, ông Cao Tiến Đoan đưa ra nhiều nhóm vấn đề có tính chất nổi cộm, chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để như: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số dự án bị thu hồi do chậm tiến độ. Tuy nhiên, nguyên nhân chậm tiến độ được xác định không phải do lỗi của nhà đầu tư, mà do công tác bồi thường GPMB của nhà nước, khi để xảy ra tình trạng trì trệ, chậm giao mặt bằng sạch, khiến cho nhiều nhà đầu tư bị thu hồi dự án oan, gây thiệt hại về kinh tế và uy tín cho nhà đầu tư. 

Liên quan đến vấn đề này, doanh nghiệp đề nghị HĐND tỉnh xem xét và quyết nghị để UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng quan tâm thực sự đến công tác GPMB, đảm bảo tiến độ, kịp thời giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để thực hiện dự án, bởi đây là chìa khóa để tháo mở cho dự án đúng tiến độ. Đồng thời, các địa phương có dự án, phải xác định rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, không để xảy ra tình trạng chậm khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ dự án, gây thiệt hại, uy tín cho nhà đầu tư. 

Cũng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc lựa chọn chấp thuận chủ đầu tư do UBND tỉnh quyết định và ban hành, chủ đầu tư phải tuân thủ thực hiện đúng quy trình thủ tục, theo nội dung tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Tuy nhiên, khi thanh tra và các ngành kiểm tra dự án lại đưa ra kết luận hoặc có ý kiến về việc “lựa chọn, chấp thuận chủ trương chủ đầu tư không đúng quy định và đề xuất thu hồi dự án do vi phạm”.

Ông Cao Tiến Đoan,  chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại kỳ họp HĐND
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu tại kỳ họp HĐND (Ảnh: Xuân Hùng)

Việc này gây bức xúc cho nhà đầu tư, hoang mang trong cộng đồng doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp lúng túng không biết thực hiện theo quy định nào là đúng. Do đó, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện công tác tham mưu, để xảy ra tình trạng nêu trên. Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, sở, ngành chức năng tham mưu thật chuẩn, rõ ràng theo quy định pháp luật. Tránh trường hợp khi UBND tỉnh ban hành quyết định Chấp thuận chủ trương nhà đầu tư thực hiện dự án, Nhưng cơ quan thanh tra, kiểm tra rà soát đưa ra kết luận; Có vi phạm do thực hiện không đúng quy trình, dẫn đến hoang mang, bức xúc, tổn thất kinh tế, uy tín nhà đầu tư.

Cũng như toàn xã hội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu ngày càng leo thang nhảy vọt, dẫn đến hầu hết các dự án của nhiều nhà đầu tư bị ngưng trệ, chậm tiến độ. Nhiều dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Qua đó đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng có liên quan kịp thời có phương án điều chỉnh giá nguyên vật liêu và thông báo giá định kỳ hàng tháng để doanh nghiệp nắm bắt thực hiện.Trong trường hợp có biến động mạnh, có thể điều chỉnh 2 lần/tháng để tránh rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp như thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… Ngoài ra vẫn tồn tại năng lực, thái độ của một bộ phận cán bộ công chức còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho doanh nghiệp, Cải cách hành chính đi vào thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các chỉ số hài lòng (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 bị giảm sâu so với các năm trước. Đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp thiết thực, căn cơ, đảm bảo hiệu quả, tránh trường hợp trên bảo, dưới không nghe hoặc nghe nhưng không thực hiện, gây chậm trễ, bức xúc cho doanh nghiệp.

Cùng đó, phần lớn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn để phục hồi sau đại dịch, nhà nước đã sớm có chính sách hỗ trợ lãi suất trực tiếp, các ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng, Tuy nhiên, do những quy định khắt khe về trình tự, thủ tục yêu cầu nhiều điều kiện kèm theo trong hỗ trợ lãi suất vay vốn, nên đa số doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, chưa tiếp cận hiệu quả từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. 

Đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa, vẫn khó khăn chồng chất khó khăn. Vừa đối mặt với giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước đến nay, vừa gặp khó khăn, vướng mắc trong quy định kiểm soát tải trọng, không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật với thực tiễn vận tải, khiến cho doanh nghiệp hoang mang trong thực hiện. 

Đặc biệt, tại kỳ họp HĐND tỉnh, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan đã có ý kiến đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện để Hiệp hội được thuê hoặc mua một địa điểm làm trụ sở hoạt động của Hiệp hội. Bởi nhiều năm nay Văn phòng Hiệp hội đang phải thuê tại tòa nhà VCCI.

Minh Hiền