Kiên Giang mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác vi phạm IUU

14:05 25/10/2021

Chiều 24/10, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4, BTL Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng và Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện đợt cao điểm và bày tỏ quyết tâm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất, góp phần tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) theo mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Hội nghị ký kết phối hợp đợt cao điểm
Kiên Giang mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác vi phạm IUU.

Những năm qua, mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt ngăn chặn khai thác IUU nhưng các vi phạm vẫn xảy ra, chậm khắc phục; tỉnh vẫn là một trong những địa phương có số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất trong nhiều năm. Vùng biển Kiên Giang rộng, khoảng 63.290km2, có chung vùng nước và vùng biển chồng lấn với một số nước trong khu vực nên ngư dân khi khai thác thủy sản truyền thống khó phân biệt vùng biển chồng lấn, dễ vi phạm. Với đặc thù bờ biển dài 200km có nhiều bãi ngang, cửa sông, luồng lạch thông ra biển và hơn 143 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo biệt lập xa đất liền, phương tiện tàu cá neo đậu không tập trung, xuất nhập bến rất khó kiểm soát. Nguồn lợi thủy sản ở ngư trường trong nước và tỉnh Kiên Giang ngày càng suy giảm nên việc khai thác, đánh bắt kém hiệu quả, một bộ phận chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân vì lợi ích kinh tế, áp lực thuê khoán tàu, vay vốn ngân hàng... dẫn đến việc ngư dân đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, vi phạm khai thác IUU. 

Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng chưa tự giác thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục theo quy định như đăng ký, đăng kiểm tàu cá, không ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển; còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi cho tàu ra biển, không duy trì hoạt động thường xuyên của thiết bị giám sát hành trình, không sử dụng thiết bị hoặc lấy thiết bị đặt ở vị trí khác... Trong đó, có việc quản lý ngư trường, ngành nghề khai thác đánh bắt và số lượng tàu cá vượt xa trữ lượng nguồn lợi thủy sản khai thác bền vững, chưa ngăn chặn triệt để khai thác thủy sản mang tính hủy diệt dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy giảm, cạn kiệt. Việc phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng trong việc quản lý kiểm tra, giám sát tàu cá khai thác thủy sản, đấu tranh phòng ngừa và xử lý vi phạm có mặt, có lúc chưa chặt chẽ, còn đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến thiếu kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm nên không đủ răn đe, giáo dục. Việc đôn đốc thực hiện sau khi có quyết định xử phạt vi phạm còn buông lỏng, tỷ lệ đạt rất thấp.

Để khắc phục tình trạng trên, đại diện cho các đơn vị thống nhất tăng cường tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên phạm vi vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Tiến hành xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác IUU, đặc biệt là các tàu cá Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tắt hoặc tháo thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển; cũng như vượt khu vực ranh giới trên biển và một số hành vi vi phạm trong khai thác IUU khác. Các đơn vị sẽ kết hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển, đảo; Hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản trên biển. Về lâu dài, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản, chính sách khuyến khích, ưu tiên cho ngư dân được hưởng lợi từ chuyển đổi ngành nghề, chính sách hỗ trợ phí vệ tinh đối với thiết bị giám sát hành trình.

Trần Hà