Kiên Giang chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt

08:57 05/04/2021

UBND tỉnh Kiên Giang đề ra các giải pháp chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên đia bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch trong việc chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cần vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phối hợp các địa phương kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố gây xâm nhập mặn ở các công trình. Rà soát, xây dựng và chỉ đạo lịch thời vụ sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước. Chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa (đặc biệt là các hồ chứa trên các xã đảo). Phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Kiên Giang theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn, cập nhật tình hình mực nước đầu nguồn tại Châu Đốc và các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh; kịp thời thông báo các phương tiện thông tin, truyền thông về tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và Nhân dân biết để chủ động trong sản xuât và sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa các công trình cấp nước vùng nông thôn, hải đảo đê kịp thời phục vụ dân sinh trong mùa khô 2020-2021.

Một điểm ngăn mặn, trữ nước ngọt tại Kiên Giang (Ảnh: Q.T)
Một điểm ngăn mặn, trữ nước ngọt tại Kiên Giang (Ảnh: Q.T).

Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triên nông thôn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành đắp đập trên kênh Ồng Hiển thuộc huyện Châu Thành, để đảm bảo nước cho sinh hoạt của thành phố Rạch Giá và các vùng phụ cận đến hết mùa khô 2021. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và Chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và các địa phương rà soát, xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bị xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân, kiên quyết trong mọi tình huống không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Tăng cường kiểm tra các công trình phòng, chống hạn, mặn phục vụ nước sinh hoạt; tình hình sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cho nhân dân đến hết tháng 5/2021, nhất là ở vùng hải đảo, ven biển.

Lúa đông xuân muộn của bà con trên 1 số địa bàn tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do hạn, mặn
Lúa đông xuân muộn của bà con trên 1 số địa bàn tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do hạn, mặn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, có phương án tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý. Thường xuyên kiểm tra các cống, các đập đất đã đắp, nhằm phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Trần Hà