Tại huyện Châu Thành, nhiều nhà vườn đã triển khai các biện pháp để giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn, nạo vét bùn mương vườn để cung cấp dinh dưỡng cho cây và tích trữ nguồn nước tưới trong mùa khô. Ông Nguyễn Hùng Cường, một nhà vườn ở xã Phú Hựu, chia sẻ: "Năm nay, nghe thông tin xâm nhập mặn vô sâu vùng đồng bằng, tôi tranh thủ vét mương để giữ nước, phòng khi bị ảnh hưởng mặn sẽ lấy nước từ mương vườn tưới, đảm bảo không bị hư cây".
![]() |
Nông dân huyện Châu Thành chọn trồng sầu riêng vì có giá trị kinh tế cao (Ảnh ĐTO) |
Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng nguồn nước, nhiều nhà vườn đã trang bị máy đo độ mặn, qua đó có thể xác định chính xác mức độ mặn trong nước và đưa ra phương án tưới cây hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng. Ông Đoàn Thanh Liêm, một nông dân ở xã Phú Hựu, cho biết: "Hầu hết bà con trồng sầu riêng đều sử dụng máy đo độ mặn hàng ngày. Khi nước lên khoảng nửa sông, chúng tôi bắt đầu đo và tưới cây".
![]() |
Nhà vườn trồng sầu riêng trang bị máy đo độ mặn (Ảnh ĐTO) |
Chính quyền huyện Châu Thành cũng đã hỗ trợ bà con nông dân trong công tác phòng chống xâm nhập mặn. UBND huyện đã trang bị máy đo độ mặn cho Phòng Nông nghiệp và Môi trường cùng các xã, thị trấn để cập nhật độ mặn của nguồn nước, đồng thời kịp thời thông báo đến các nhà vườn để có biện pháp ứng phó phù hợp. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, ông Phan Thanh Dũng, cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo bà con theo dõi độ mặn và tích trữ nước để tưới, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến hơn, tiết kiệm nước và giảm chi phí."
Với hơn 1.700 ha vườn trồng sầu riêng, huyện Châu Thành đang rất nỗ lực để bảo vệ cây trồng có giá trị kinh tế cao này. Những biện pháp chủ động của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ giúp sầu riêng phát triển bền vững, góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp địa phương.