Kiên Giang: Bảo tồn gen động, thực vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

12:05 23/08/2021

Giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai đề án “Bảo tồn gen động vật, thực vật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Bước đầu, đề án này đạt những kết quả quan trọng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, kết quả thực hiện đề án, tỉnh có tổng số 83 nguồn gen tiềm năng, có giá trị. Trong đó: Có 61 nguồn gen được xác định triển khai thực hiện đưa vào bảo tồn trong giai đoạn từ 2014 đến 2020, gồm: 8 nguồn gen cây nông nghiệp, 1 cây lâm nghiệp, 19 cây dược liệu, 12 vật nuôi, 16 thủy sản, 5 vi sinh vật nấm. Đến nay, tỉnh đã triển khai bảo tồn được 27 nguồn gen thực vật và 08 nguồn gen động vật. Trong đó các nguồn gen thực vật được triển khai tập trung vào nhóm các cây có giá trị kinh tế cao, gắn với nhãn hiệu tập thể của địa phương như khóm Tắc Cậu, khoai lang, bông súng, sầu riêng Ba Hồ, măng cụt Hòa Thuận, tiêu Phú Quốc, tiêu Hà Tiên,....; các cây có giá trị dược liệu được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền như mật nhân, hà thủ ô, kim thất, thiên niên kiện, dây gắm, ngọc nữ biến, nấm linh chi,...; các cây đặc trưng địa phương như thu hải đường, lan bầu rượu,... Đối với các nguồn gen động vật được triển khai tập trung vào nhóm các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá bóp, cá ngựa, cá chạch lấu, cá thát lát và đặc hữu của địa phương là cá trê suối Phú Quốc. Đến nay, cơ bản các nguồn gen đã thực hiện xong nội dung xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống và nuôi, trồng; đây là cơ sở khoa học vững chắc để triển khai bảo tồn các nguồn gen này trong giai đoạn tiếp theo là phát triển các nguồn gen phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một góc rừng tràm U Minh Thượng, Kiên Giang
Một góc rừng tràm U Minh Thượng, Kiên Giang.

Bên cạnh đó, một số nguồn gen trong Đề án như bí kỳ nam, ghẹ xanh, vọp, cá lưỡi trâu U Minh Thượng, sò huyết đã được tỉnh phê duyệt thực hiện các nghiên cứu cơ bản nhằm xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống hoặc quy trình trồng, nuôi thương phẩm để triển khai bảo tồn, phát triển các nguồn gen trong thời gian tới. Đối với nguồn gen chó lưng xoáy Phú Quốc (Canis dingo), một trong số những nguồn gen quý, hiếm, bản địa của tỉnh Kiên Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia bảo tồn nguồn gen này.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung giải quyết các nhiệm vụ chưa thực hiện được của đề án giai đoạn 2014 - 2020. Cụ thể, thành lập các vườn ươm giống, vườn nuôi/trồng chuyên canh và đề xuất cơ chế tài chính để các vườn hoạt động; quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất các đối tượng nguồn gen phục vụ phát triển các nguồn gen; phối hợp đề xuất phương án triển khai bảo tồn, duy trì và phát triển nguồn gen khi các nhiệm vụ bảo tồn được nghiệm thu; định kỳ phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát để bổ sung danh mục các nguồn gen bảo tồn của Đề án.

Đầu tư khoa học kỹ thuật vào khâu nhân giống, đảm bảo cung cấp đầy đủ và giống đạt chất lượng cho người dân để mở rộng sản xuất. Áp dụng nhiều biện pháp nhân giống, đặc biệt tích cực triển khai ứng dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến trong nhân giống như, phương pháp nuôi cấy mô đối với những nguồn gen thực vật quý hiếm để nhân giống với số lượng lớn; đồng thời, xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các nguồn gen để chủ động trong sản xuất.

Trần Hà

Tags: