Một loạt kết nối cung cầu đã được nhiều DN triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sự liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất sẽ góp phần ổn định thị trường, giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa chất lượng tốt, giá hợp lý.
Không chỉ DN trong nước, DN FDI cũng thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhằm đảm bảo doanh thu và ổn định kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, hệ thống siêu thị Big C đã có thêm nhiều nhà cung cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm đang tăng cao sau khi Việt Nam kiềm chế được dịch Covid-19. Sự kết nối này, theo bà Phương, cũng tạo cơ hội để các DN sản xuất nông sản đưa hàng hóa vào hệ thống Bic C.
Hệ thống siêu thị Big C với nguồn hàng phong phú, giá tốt nhất, chất lượng được kiểm soát nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2020 đạt 431.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng 5 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 928.500 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.380.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán lẻ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nền kinh tế dần trở lại bình thường nhưng tác động của Covid-19 tiếp tục gây khó khăn cho DN nhỏ và vừa. Khảo sát hồi tháng 4 của Tổng cục Thống kê đối với trên 126.500 DN cho thấy, trên 91% DN có quy mô vừa, 89,7% DN nhỏ và trên 82% DN siêu nhỏ cho biết bị tác động mạnh từ đại dịch.
Trong 6 tháng đầu năm, có tới 29.200 DN tạm ngừng kinh doanh, khoảng 19.600 DN chờ thủ tục cuối cùng trước khi rút khỏi thị trường, trên 7.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể và trên 22.400 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ đã có một loạt giải pháp nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, vực dậy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh được giảm 50% các loại thuế, phí, lệ phí, được gia hạn đóng thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất như các DN khác, DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ còn được giảm 30% thuế suất thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020.
Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, hiện chưa có số liệu thống kê về tác động của các chính sách này đến hoạt động của DN, nhưng chắc chắn không nhiều DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng ưu đãi.
Việc DN khó tiếp cận vốn được lý giải là do hầu hết DN đều không có tài sản thế chấp do trước dịch đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Bên cạnh đó, DN phải chứng minh được hiệu quả hoạt động, có dòng tiền để trả cả gốc lẫn lãi. Điều này gần như "bất khả thi" với hầu hết DN. Việt Nam đã kiềm chế được dịch bệnh nhưng DN rất khó chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường suy giảm, tồn kho tăng cao.
Kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những nội dung chính của Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, nhằm chặn đà suy thoái kinh tế, giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2020, tiêu dùng đã tăng 7,04% so với cùng kỳ, đóng góp 8,48 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Trong đó, tiêu dùng của dân cư đóng góp tới 7,75 điểm phần trăm, còn tiêu dùng của Chính phủ đóng góp 0,73 điểm phần trăm. Trong khi đó, tích lũy tài sản đóng góp 4,26 điểm phần trăm, còn chênh lệch xuất nhập khẩu đã làm giảm khoảng 7,01 điểm phần trăm của tăng trưởng chung do nhập siêu.
Kích cầu tiêu dùng nội địa, nếu nhìn vào thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy sự cần thiết áp dụng tổng thể nhiều giải pháp, bao gồm cả các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, có nghĩa là từ cả phía cung và phía cầu. Theo ông Vũ Thanh Sơn, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh của DN cần thông thoáng và ít thời gian và chi phí hơn.
Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích tiêu dùng nội địa trong cả trung và dài hạn. Chính phủ cần xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất, hệ thống phân phối quốc gia tập trung theo từng thế mạnh, trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, dịch vụ logistics. Ông Phú cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng hệ thống chợ đầu mối nhằm bảo đảm hàng hóa được giao dịch một cách minh bạch trên thị trường, cũng như bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguyễn Hoàng