Nguồn: FiinGroup
Kỳ vọng sớm hồi phục
Báo cáo FiinGroup mới nhất, tổng hợp từ 1.368 doanh nghiệp niêm yết (chiếm 96,7% tổng vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM), cho thấy Covid-19 tiếp tục tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong quí 2 vừa qua.
Cụ thể, thống kê cho thấy có 9/16 ngành (phi tài chính) dự kiến mức tăng trưởng doanh thu năm 2020 của nhóm này dự kiến giảm 0,5%, trong khi ước tính trước đó là tăng trưởng 2,5% (dựa trên số liệu 426 doanh nghiệp). Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 23,6% trong năm 2020
“Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm đối với doanh thu và suy giảm lần đầu tiên trong 9 năm đối với lợi nhuận”, báo cáo nhận định.
Tuy nhiên, một số ngành lại có sự cải thiện đáng kể về doanh thu trong sau 2 quí đầu năm, phần lớn là các ngành liên quan đến sự hồi phục về cầu tiêu dùng trong nước sau giai đoạn cách ly xã hội. Các lĩnh vực có sức bật lớn bao gồm thực phẩm và đồ uống, bất động sản, viễn thông, hóa chất và bán lẻ. “Các ngành có dự báo doanh thu tăng trưởng trong năm 2020 phần lớn liên quan đến ngành mang tính tiêu dùng trong nước”, báo cáo nhận định.
Trong số này, thực phẩm và đồ uống đã vượt qua lĩnh vực bất động sản để dẫn đầu về triển vọng tăng trưởng doanh thu trong năm nay, với mức tăng 17,2%. Trong đó doanh nghiệp đầu ngành là Masan dự kiến tăng trưởng 119% nhờ hợp nhất với mảng bán lẻ VinCommerce.
Lĩnh vực bất động sản dự kiến tăng trưởng doanh thu 16,7%, thấp hơn nhiều so với ước tính trong báo cáo trước đó là 26,2%, khi có thêm một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp cập nhật kế hoạch kinh doanh.
Mặc dù kỳ vọng doanh thu dự kiến vẫn ở mức cao, tuy nhiên có điểm đáng lưu ý là chất lượng dòng tiền và chất lượng lợi nhuận trong lĩnh vực bất động sản lại đang yếu đi, theo báo cáo.
Nguồn: FiinGroup
Đáng chú ý là sự bật tăng của nhóm ngành hóa chất, được đánh giá là hưởng lợi từ đại dịch Covid-19 do đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là từ Trung Quốc. Lĩnh vực này dự kiến tăng trưởng doanh thu 5,4%, chủ yếu đến từ một số doanh nghiệp đầu ngành phân bón như DCM, DPM, PSE, PSW.
Còn ở chiều ngược lại, của lĩnh vực Du lịch & Giải trí tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 khi doanh thu dự kiến giảm 31%. Đáng kể trong đó là Vietjet Air đưa ra kế hoạch kinh doanh giảm 30,8%, tiếp theo là dầu khí (giảm 29,5%), và hàng cá nhân và gia dụng (giảm 15,8%).
Đáng chú ý là dù doanh thu được kỳ vọng cải thiện thì lợi nhuận đa phần đặt mục tiêu duy trì ở cùng mặt bằng với năm 2019, bao gồm các lĩnh vực như Dược phẩm, Bất động sản, Thực phẩm và Đồ uống. Riêng mảng Bán lẻ (bao gồm có Thế giới Di động), chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến giảm 9,3% trong năm nay.
Hồi phục mạnh trong quí 2
Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy có khoảng 48 doanh nghiệp, chiếm 19% vốn hóa toàn thị trường, công bố kết quả kinh doanh, đã hoàn thành 53,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Theo đó, số doanh nghiệp này đã hồi phục mạnh mẽ trong quí 2 năm 2020 so với quý liền kề, và chỉ giảm nhẹ ở mức 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, có 24 doanh nghiệp đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, thậm chí một số doanh nghiệp vượt trên 70%, hay như trường hợp Tập đoàn Hoa Sen và Dabaco đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
“Các doanh nghiệp có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao đều là các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ đại dịch Covid-19”, báo cáo nhận định.
Ở phía ngược lại thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp thua lỗ, như trường hợp PLX lỗ 6 tháng đầu năm lên đén hơn 1.400 tỉ đồng. Nếu loại trừ PLX trong thì nhóm 47 doanh nghiệp còn lai ở trên có mức lợi nhuận lũy kế 6 tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, xét 6 tháng đầu năm 2020 thì nhìn chung thị trường vẫn giảm 14% so với cùng kỳ và các ngành chứng kiến sự suy giảm so với cùng kỳ 2019, không chỉ có các doanh nghiệp Dầu khí mà còn nhiều lĩnh vực khác như Điện nước và Xăng dầu, và cả công nghệ thông tin.
Dũng Nguyễn