Không để xảy ra khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021

08:45 26/01/2021

Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt lợn, qua đó không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

(Ảnh: Internet)

Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021, ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7-22% so với năm ngoái, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối xây dựng các chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng từ 2-3 giờ, đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.

Theo Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo nguồn cung thiết yếu trong dịp này, ngay từ vài tháng trước các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã lên kế hoạch dự trữ và hiện tại hàng hóa đã về đến kho, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Đơn cử như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) từ giữa năm 2020 đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng lượng hàng thiết yếu lên từ 2 lần.

Vì vậy, tại thời điểm này Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019.

Ngoài ra, tại một số đơn vị khác như Vinmart hay Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), bên cạnh nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, còn chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Thế nhưng, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90% tỷ lệ hàng hóa dự trữ.

Đại diện các doanh nghiệp phân phối cũng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online. Do vậy, để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite. Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite...

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực.

Đặc biệt, để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3 - 4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2 - 3 giờ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.

Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân, tính tới thời điểm hiện nay, các địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết.

Riêng mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, chủ động hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, có phương án nhập khẩu nếu cần thiết.

PV