Một dự án lớn như VSIP Việt Nam – Singapore đặt tại đây cho thấy sức hút từ môi trường đầu tư của huyện Vĩnh Thạnh. Là huyện cửa ngõ phía Tây của TP. Cần Thơ, Vĩnh Thạnh gắn liền với các địa danh truyền thống, lưu dấu ấn khai hoang mở đất của cư dân trên vùng đất này, góp phần tạo nên một vùng trù phú, vùng nguyên liệu dồi dào.
Quyết tâm vượt khó
Năm 2004, theo Nghị định của Chính phủ, huyện Vĩnh Thạnh được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, trong 20 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước vươn lên đạt được thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Từ năm 2018, huyện Vĩnh Thạnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về kinh tế, giá trị sản xuất của huyện tăng trưởng khá cao, bình quân 13,18%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp ngày càng giảm (chỉ chiếm 39,09%); thương mại dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ tăng nhanh (chiếm hơn 60%), hình thành nhiều mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Vĩnh Thạnh từng bước phát triển về quy mô, số lượng và giá trị sản xuất. Tới nay giá trị sản xuất ước đạt 15.752,161 tỷ đồng (tăng hơn 200 lần so năm 2004). Đặc biệt, huyện được Thành phố quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh tại xã Vĩnh Trinh với quy mô 900 ha. Đây là cơ hội cho huyện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thế mạnh và triển vọng bứt phá
Theo ông Đoàn Quốc Sử - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Theo quy hoạch chung của thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Vĩnh Thạnh được định hướng liên kết vùng liên huyện, huyện sẽ phát triển chủ đạo theo các hướng: Khu sinh thái nông nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường: Khu vực phía Tây huyện, bị ngăn cách bới các tuyến cao tốc, có mật độ dân cư hiện hữu rất thấp, có thể xác định là những khu vực rộng lớn để sản xuất năng lượng mặt trời, bên dưới hệ thống pin mặt trời vẫn có thể nuôi trồng thủy sản hoặc làm rau màu, chăn nuôi. Khu sinh thái công nghiệp Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh: Phát triển một dải công nghiệp sạch đan xen với cảnh quan sinh thái, vùng bảo tồn dọc theo quốc lộ 80 và cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, như kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đang làm hiện nay.
Do đó về Kinh tế đô thị: Hình thành trung tâm đô thị mới của TP theo dải công nghiệp sinh thái từ thị trấn Thốt Nốt (cũ) đến thị trấn Thạnh An để tạo đường biên hấp dẫn phía Bắc cho toàn TP Cần Thơ. Trong thời gian tới, để thu hút đầu tư, huyện Vĩnh Thạnh sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố rà soát, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện mang tính kết nối, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông thủy, bộ như kênh Cái Sắn, quốc lộ 80 với đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Những tuyến giao thông này đã phá thế chia cắt, tạo cơ hội cho huyện giao thương hàng hoá, tiêu thụ nông sản, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội địa phương, biến nơi đây thành cửa ngõ phía Tây của Cần Thơ. Đây cũng là triển vọng để Vĩnh Thạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi nhà đầu tư vào địa bàn để đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo việc làm cho lao động, nâng cao giá trị sản xuất của ngành. Định kỳ hằng năm tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, nghe doanh nghiệp báo cáo kết quả đạt được cũng như phản ánh những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư cải tiến trang thiết bị, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị của sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phục hồi thị trường tiêu thụ trong nước; tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và thực hiện biện pháp an toàn cháy nổ. Kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn lậu và gian lận thương mại. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao đối với tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao đảm bảo yêu cầu sản xuất theo chuỗi giá trị và xuất khẩu.
Mới đây, dự án Khu công nghiệp VISIP Việt Nam – Singapore trị giá hơn 3.717 tỷ đồng đã chính thức khởi động. Lãnh đạo huyện kỳ vọng khi dự án VSIP hoàn thành sẽ giải quyết một lượng lớn lao động trên địa bàn huyện, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động làm việc trong dự án VSIP, kéo theo đó kích cầu tiêu dùng, phát triển đa dạng loại hình dịch vụ, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, không còn lệ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng, là minh chứng cho thấy sức hút của địa phương.
Thu Hiền – Bích Liên